Trương Á Cần sinh năm 1966 ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Ngay từ nhỏ, ông đã cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của một thiên tài, tự lập và mạnh mẽ hơn so với nhiều bạn bè đồng trang lứa.
Năm 5 tuổi, cha của Trương Á Cần qua đời. Mẹ một mình nuôi ông khôn lớn, khuyến khích con trai tìm hiểu về nghề nghiệp tương lai. Năm 7 tuổi, ông rời nhà để tới trường học nội trú.
Năm 1977, khi vẫn đang là một cậu nhóc cấp 2, Trương Á Cần bỗng dưng nảy ra ý tưởng "điên rồ": học vượt cấp để thi đại học. Mẹ ông không những phản đối mà còn ra mặt ủng hộ, đến gặp hiệu trưởng của một trường THPT để thuyết phục giúp con trai.
Để thi đỗ vào lớp top đầu của trường THPT đó, Trương Á Cần đã dành 20 tiếng/ngày chỉ để học đến quên ăn quên ngủ, dù đổ bệnh cũng không màng. Kết quả là chỉ sau 1 tháng, ông đã thi đậu và được cấp quyền tham gia tuyển sinh đại học như nhiều sĩ tử khác.
Năm 1978, Trương Á Cần trúng tuyển vào ĐH Khoa học và Công nghệ Trung Quốc ở tỉnh An Huy. Không chỉ khiến dư luận nể phục khi đỗ đại học ở tuổi 12, ông còn là học sinh duy nhất trong lớp đạt điểm tối đa môn Toán.
Ở tuổi 18, Trương Á Cần đã hoàn thành tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành kỹ sư điện lực. Sau đó, ông sang Mỹ du học, trở thành nghiên cứu sinh của ĐH George Washington vào năm tháng 9/1985.
Tuần đầu tiên ở nơi xứ người của Trương Á Cần đầy rẫy những khó khăn. Không được ai ra đón, ông một thân một mình bơ vơ giữa sân bay, trong khi hồ sơ nhập học đăng ký trước đó bỗng dưng biến mất.
May mắn thay, một gia đình gốc Trung tốt bụng đã cho chàng trai trẻ tuổi ở nhờ. Sau này, Trương Á Cần mới phát hiện ra rằng trường đã sắp xếp để mình nhập học vào kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, lá thư thông báo đã không kịp tới tay ông.
Bất chấp mọi gian truân, chàng trai 19 tuổi không ngồi đợi may mắn tới, mà tự quyết định số phận cho mình.
Buổi sáng ngày thứ ba sau khi đặt chân lên nước Mỹ, Trương Á Cần tự tìm đường đến văn phòng Dịch vụ Quốc tế của trường, cách ký túc xá vài tòa nhà. Ông thuyết phục nhân viên ở đó rằng trình độ tiếng Anh của mình đủ để theo học chương trình Tiến sĩ.
Cuối cùng, Trương Á Cần đã ghi danh thành công, xuất sắc vượt qua mọi yêu cầu về ngoại ngữ.
Phần lớn thành công của Trương Á Cần đến từ niềm khao khát kiến thức sâu thẳm trong ông. Chàng sinh viên năm nhất đầy nhiệt huyết này thường xuyên giành hàng ghế đầu trên giảng đường, ngồi ngay trước mặt Stephen Hawking mỗi khi nhà khoa học này dạy về hố đen.
Trương Á Cần còn dành hàng giờ đồng hồ kiên nhẫn ngồi nghe một cuộc hội thoại bằng tiếng Nhật. Ông hy vọng mình sẽ học được chút gì đó từ việc này, dù nó có viển vông đến mức nào đi chăng nữa.
Việc lựa chọn chuyên ngành chính của vị thiên tài này cũng khá ngẫu hứng. Sau khi nghe một bài thuyết trình đầy cảm hứng, ông đã quyết tâm theo đuổi lĩnh vực không dây, truyền thông di động, kết nối mạng, video số và công nghệ đa phương tiện thay vì toán học.
Cũng vì tính cách này, Trương Á Cần từng cho GS. Raymond Pickholtz – một người thầy tại ĐH George Washington – chịu cảnh "leo cây" suốt 4 tiếng đồng hồ. Trên đường tới buổi hẹn với thầy giáo, ông gặp một số người biểu tình phản đối chiến tranh và tham gia diễu hành cùng họ. Lý do đơn giản vì "ông cảm thấy đó là một điều hợp lý nên làm.
Dù vậy, GS. Pickholtz vẫn hết sức yêu quý Trương Á Cần và cho phép cậu học trò cưng tham gia nhiều dự án cùng mình. Năm 1989, thiên tài người Trung này tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 23, trở thành người duy nhất trong lịch sử trường đạt điểm tối đa cho luận án.
Trong 5 năm tiếp theo, Trương Á Cần làm việc GTE Laboratories Inc., trở thành chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số. Chàng thanh niên người Trung đã xuất bản hơn 560 bài báo khoa học, sở hữu khoảng 60 bằng sáng chế tại Mỹ và nhận được vô số giải thưởng danh giá trong ngành.
Nhờ những thành tựu trên, Trương Á Cần vinh dự trở thành thành viên trẻ nhất thuộc Hiệp hội Kỹ sư Điện và Điện tử Mỹ. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận hàng đầu thế giới với hơn 400.000 thành viên, hoạt động vì các tiến bộ công nghệ.
Tài năng xuất chúng của Trương Á Cần đã nhanh chóng "lọt vào mắt xanh" của tỷ phú công nghệ Bill Gates. Người sáng lập Microsoft đã gửi thư mời chàng trai trẻ đầu quân cho mình, nhưng chỉ nhận được sự từ chối thẳng thừng.
Dĩ nhiên, Bill Gates không dễ dàng bỏ cuộc như vậy. Vị tỷ phú này tìm mọi cách thuyết phúc Trương Á Cần, hứa hẹn rằng Microsoft sắp thành lập viện nghiên cứu ở Trung Quốc. Là người luôn muốn cống hiến cho quê hương, thiên tài trẻ tuổi đã nhanh chóng gật đầu đồng ý.
Năm 1999, Trương Á Cần chính thức gia nhập Microsoft với vai trò Trưởng nhóm R&D chi nhánh Trung Quốc. Từ 5 thành viên chủ chốt ban đầu, đội ngũ của ông đã tăng lên con số 1.400 nhân viên. Ông và các cộng sự đã đóng góp hơn 100 cải tiến cho các sản phẩm then chốt của Microsoft, chẳng hạn như hệ điều hành Windows thế hệ tiếp theo và dịch vụ di động cho Outlook.
"Tôi cảm thấy thật tốt khi có thể quay trở về quê hương để lan tỏa sức ảnh hưởng của mình, cũng như đóng góp cho sự tiến bộ của công nghệ toàn cầu, giúp cuộc sống của người trở nên tốt đẹp hơn", thiên tài người Trung cho biết.
Trong suốt 16 năm tiếp theo, nhà khoa học này đã xây dựng một kho tri thức kỹ thuật vô cùng quý giá cho hệ thống R&D của tập đoàn công nghệ này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trương Á Cần – khi đó mới 38 tuổi - được Bill Gates bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch toàn cầu của Microsoft vào năm 2004.
Vị tỷ phú giàu thứ tư thế giới rất trân trọng "cánh tay phải" đắc lực của mình. Bản thân Trương Á Cần cũng dành nhiều "lời có cánh" cho Bill Gates.
"Ngoài IQ siêu cao, Bill Gates còn khiến tôi ấn tượng bởi sự nhạy bén trong kinh doanh của mình", ông chia sẻ.
"Ông ấy rất am hiểu kỹ thuật trước mặt các kỹ thuật viên, hiểu biết sâu sắc về sản phẩm khi nói chuyện với các nhân viên làm sản phẩm, đồng thời rất uyên bác khi bàn luận về toàn ngành. Ông ấy gắn kết mọi thứ bằng khả năng độc đáo của mình".
Năm 2014, Trương Á Cần rời Microsoft để trở thành Chủ tịch Baidu. Quyết định đầu quân cho "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc của ông đã khiến giới công nghệ bất ngờ.
"Tôi mất 16 năm để thực hiện lời hứa vào những ngày đầu gia nhập Microsoft. Giờ đây, khi nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi phải rời đi", thần đồng Trung Quốc giải thích.
Sau 5 năm miệt mài cống hiến cho các tiến bộ công nghệ trong và ngoài nước, Trương Á Cần đã quyết định nghỉ hưu ở tuổi 53. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục dành thời gian đứng trên giảng đường, truyền lại kiến thức khoa học cho thế hệ tương lai, cũng như tham gia các hoạt động từ thiện.
(Nguồn: Chinadaily)