Telegram, ứng dụng truyền thông xã hội được kiểm duyệt, đã có các cuộc thảo luận với các nhà đầu tư. Mục tiêu nhằm trấn an họ rằng, công ty vẫn đang là một khoản cược tiềm năng, bất chấp việc nhà sáng lập Pavel Durov vừa bị bắt vào tháng 8 sau cáo buộc liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng.
Telegram hiện đang giải quyết các rắc rối pháp lý bằng cách kiểm soát nhiều nội dung hơn. Công ty cũng cho biết đã trả được một “khoản tiền có ý nghĩa” trong tổng số nợ của mình.
Telegram vốn đã bị giám sát ngày càng chặt chẽ vì nghi ngờ lưu trữ các nội dung bất hợp pháp. Công ty cũng phải đối mặt với áp lực theo một cách khác: chứng minh rằng mình có thể kiếm tiền.
Trong nhiều năm, nhiều người đặt ra câu hỏi liệu một nền tảng lưu trữ tài liệu độc hại có thể tạo ra lợi nhuận hay không. Không giống như các công ty truyền thông xã hội như Meta, Telegram đi theo một con đường kinh doanh khác thường: không huy động tiền từ các nhà đầu tư mạo hiểm, bán quảng cáo dựa trên dữ liệu người dùng hoặc tuyển dụng tích cực để tăng tốc độ tăng trưởng. Thay vào đó, công ty chỉ dựa vào danh tiếng và tài sản của ông Durov để duy trì hoạt động kinh doanh, gánh nợ và lao vào thị trường tiền số.
Hiện tại, Telegram đang nỗ lực tìm lại chỗ đứng tài chính để có thể vượt qua những khó khăn về mặt pháp lý và quy định, duy trì sự độc lập và cuối cùng là tổ chức chào bán công khai lần đầu. Hoạt động kiểm duyệt nội dung được mở rộng. Telegram cũng dùng tiền số để trả nợ và củng cố tài chính.
Kết quả: Telegram có lãi lần đầu tiên trong năm nay. Doanh thu đang trên đà vượt qua 1 tỷ USD, tăng từ gần 350 triệu USD vào năm ngoái. Lượng tiền mặt dự trữ rơi vào khoảng 500 triệu USD.
Telegram có gần 1 tỷ người dùng, bao gồm 12 triệu người đăng ký trả khoảng 5 USD một tháng cho các tính năng bổ sung. Hơn 50% doanh thu trong năm nay đến từ quảng cáo sau khi thu hút được các thương hiệu lớn như Samsung. Telegram được định giá hơn 30 tỷ USD vào đầu năm nay.
Trên kênh cá nhân ngày 23/12, Durov cho biết lượng người đăng ký gói Premium tăng gấp ba, vượt qua mức 12 triệu trong năm 2024.
“Kết quả là tổng doanh thu của Telegram trong năm 2024 đã vượt 1 tỷ USD và chúng tôi đang kết thúc năm với hơn 500 triệu USD tiền mặt dự trữ, không bao gồm tài sản tiền số. Lần đầu tiên trong lịch sử ba năm kiếm tiền, Telegram đã có lãi”, ông viết.
Telegram được hỗ trợ đặc biệt bởi tiền số. Công ty đã bán hàng trăm triệu USD tài sản kỹ thuật số trong năm nay, bao gồm Toncoin, một loại tiền ảo được xây dựng một phần bên trong Telegram và hiện được điều hành bởi các nhà phát triển bên ngoài. Công ty đã đưa ra những ý tưởng mới tập trung vào tiền số, chẳng hạn như cho phép người dùng khai thác và trao đổi chúng thông qua các ứng dụng của bên thứ ba trên Telegram.
“Telegram cần một mô hình kinh doanh bền vững để tiếp tục hoạt động như một công ty tự cung tự cấp”, Raúl Castañón, một nhà phân tích cấp cao của S&P Global Market Intelligence, người đã theo dõi Telegram trong thập kỷ qua, cho biết. “Họ đã thực hiện được điều mà tôi cho là phần khó khăn nhất, đó là có được lượng người dùng thực sự lớn”.
Trong một tuyên bố, công ty cho biết ‘ưu tiên hàng đầu của họ là sức khỏe lâu dài và tính bền vững của hệ sinh thái Telegram’ bằng cách mở rộng các nỗ lực kiếm tiền, đầu tư vào các công cụ kiểm duyệt nội dung và — quan trọng nhất — duy trì một nền tảng trung lập tập trung vào việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.
Số phận ông Durov được cho là phụ thuộc vào tương lai của Telegram. Người đàn ông 40 tuổi này, đù đã phủ nhận các cáo buộc tại Pháp, vẫn có thể phải đối mặt với án tù nếu bị kết tội. Ông là chủ sở hữu duy nhất của Telegram và là động lực thúc đẩy công ty.
Maria Vasileva, 30 tuổi, sống tại Thái Lan, cho biết cô đã sử dụng quảng cáo Telegram để tìm người đăng ký mới cho nền tảng giảng dạy phân tích dữ liệu. Quảng cáo thành công hơn ở các quốc gia nơi Telegram có lượng người xem lớn, chẳng hạn như Nga và Ukraine, cô cho biết.
Trong nhiều đợt chào bán trái phiếu từ năm 2021 đến năm nay, Telegram huy động được khoảng 2,4 tỷ USD từ các nhà đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư quốc gia tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, cũng sở hữu một số trái phiếu Telegram.
Người nắm giữ trái phiếu gần đây cho biết họ bị thu hút bởi lượng người dùng lớn và sự tăng trưởng của Telegram. Giá trái phiếu của Telegram đã giảm sau khi ông Durov bị bắt, song kể từ đó hầu hết đã phục hồi - một dấu hiệu cho thấy thị trường nghĩ rằng công ty có thể thanh toán nợ.
Vào tháng 3, ông Durov đã nói về khả năng niêm yết cổ phiếu của Telegram, với kỳ vọng rằng điều này sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Tuy nhiên, kế hoạch đã thay đổi vào mùa hè này khi ông bị bắt ở Paris. Telegram từ chối bình luận về kế hoạch IPO và cho biết công ty “vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của ông Durov”.
Một số nhà đầu tư vẫn cảnh giác. Hai quỹ đầu cơ của Mỹ cho biết họ đã xem xét tình hình tài chính của công ty và quyết định không hỗ trợ nữa vì lo ngại hoạt động kinh doanh không ổn định. Telegram cho biết họ sẽ trả lại tiền cho các nhà đầu tư đúng hạn.
Ông Durov, người hầu như im lặng về những cáo buộc chống lại mình, đã làm việc tại một khách sạn ở Paris kể từ tháng 8. Ông vẫn thường quảng bá các tính năng mới của Telegram cho hơn 13 triệu người theo dõi trên nền tảng, cùng với những lời khuyên về cuộc sống.
“Chia một nhiệm vụ lớn thành nhiều phần nhỏ hơn, sắp xếp chúng theo đúng trình tự và bạn sẽ hoàn thành được thôi”, ông nói vào tháng 10.
Theo: The NY Times, Reuters