Tài chính

Hơn 1 tuần nữa, tuyến đường trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ đóng sập: Điều gì sẽ xảy ra với châu Âu?

Hơn 1 tuần nữa, tuyến đường trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ đóng sập: Điều gì sẽ xảy ra với châu Âu?- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Thủ tướng Slovakia Robert Fico tại Điện Kremlin vào Chủ Nhật (22/12).

Đây là chuyến thăm hiếm hoi của một nhà lãnh đạo thuộc quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Moscow khi hợp đồng trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Kiev có thể xem xét tiếp tục quá cảnh khí đốt của Nga, với điều kiện là khách hàng không thanh toán cho Moscow cho đến khi xung đột kết thúc. Đây là điều kiện mà Nga không thể chấp nhận. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng sẽ không có thỏa thuận mới nào với Kiev để vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đến châu Âu.

Sau đây là những gì sẽ xảy ra nếu quá cảnh khí đốt của Nga qua Ukraine bị cắt hoàn toàn và bên nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu qua Ukraine tương đối nhỏ. Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine vào năm 2023, tương đương chỉ 8% lượng khí đốt của Nga đến châu Âu qua các tuyến đường khác nhau vào đợt cao điểm trong 2018-2019.

Nga đã dành nửa thế kỷ để mở rộng thị phần khí đốt ở châu Âu. Trong thời kỳ đỉnh cao, tỷ trọng khí đốt Nga là 35%.

Kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine năm 2022, Moscow đã mất thị phần vào tay các đối thủ như Na Uy, Mỹ và Qatar khi EU nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Năm 2022, giá khí đốt tại EU đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi mất nguồn cung của Nga. Theo các quan chức và thương nhân EU, điều này sẽ không lặp lại do khối lượng khiêm tốn và lượng khách hàng ít.

Tuyến đường Ukraine

Đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod được xây dựng từ thời Liên Xô, vận chuyển khí đốt từ Siberia qua thị trấn Sudzha. Đường ống này chảy qua Ukraine đến Slovakia.

Tại Slovakia, đường ống dẫn khí đốt này chia thành các nhánh đi đến Cộng hòa Séc và Áo.

Tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga qua tuyến đường này vẫn ổn định mặc dù tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã dừng cung cấp khí đốt cho công ty năng lượng OMV (Áo) vào giữa tháng 11 do tranh chấp hợp đồng và pháp lý.

Áo vẫn nhận được phần lớn khí đốt thông qua Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.

Slovakia nhận khoảng 3 tỷ mét khối Gazprom mỗi năm, đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu.

Cộng hòa Séc gần như cắt giảm hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ phía đông vào năm ngoái, nhưng bắt đầu nhận khí đốt Nga từ năm 2024.

Hầu hết các tuyến đường khí đốt khác của Nga đến châu Âu đều bị đóng, bao gồm tuyến Yamal-Europe qua Belarus và Nord Stream dưới biển Baltic.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt duy nhất còn lại của Nga đến châu Âu là Blue Stream và TurkStream đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen. Thổ Nhĩ Kỳ chuyển một số lượng khí đốt của Nga đến châu Âu, bao gồm Hungary.

Tuyến đường thay thế

Dù lượng khí đốt quá cảnh còn lại của Nga ở mức khiêm tốn, vấn đề này vẫn là một tình thế tiến thoái lưỡng nan đối với EU. Nhiều thành viên EU như Pháp và Đức đã tuyên bố họ sẽ không mua khí đốt của Nga. Nhưng lập trường của Slovakia, Hungary và Áo, những nước có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow, thách thức cách tiếp cận chung của EU.

Các quốc gia vẫn nhận khí đốt của Nga cho rằng đây là nhiên liệu có giá rẻ nhất, đồng thời đổ lỗi cho các nước EU láng giềng về mức phí quá cảnh cao đối với các nguồn cung thay thế.

Ukraine vẫn kiếm được 800 triệu-1 tỷ USD mỗi năm từ phí quá cảnh khí đốt của Nga.

Theo tính toán của Reuters, tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Gazprom đến châu Âu qua tất cả các tuyến đường vào năm 2024 đã tăng lên 32 tỷ mét khối từ mức 28,3 tỷ mét khối vào năm 2023.

Theo tính toán của Reuters, Nga có thể kiếm được khoảng 5 tỷ USD từ doanh số bán khí đốt qua Ukraine trong năm nay dựa trên dự báo giá khí đốt trung bình của chính phủ Nga là 339 USD/1.000 mét khối.

Nga đã tuyên bố sẽ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển nhưng Ukraine nhiều lần tuyên bố sẽ không làm như vậy.

Một lựa chọn khác là Gazprom cung cấp một phần khí đốt thông qua tuyến đường khác, ví dụ như qua TurkStream, Bulgaria, Serbia hoặc Hungary. Tuy nhiên, công suất qua các tuyến này bị hạn chế.

Hungary rất muốn tuyến đường Ukraine tiếp tục mở. Nước này cho biết sẽ tiếp tục nhận khí đốt của Nga từ phía nam, thông qua đường ống TurkStream dưới Biển Đen.

EU và Ukraine cũng đã yêu cầu Azerbaijan tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận với Nga về thỏa thuận trung chuyển khí đốt.

Một nguồn tin tại công ty năng lượng SOCAR (Azerbaijan) nói với Reuters rằng Nga và Ukraine đã không đạt được thỏa thuận để Azerbaijan làm trung gian nhằm tiếp tục xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine.

Theo Reuters

Cùng chuyên mục

Đọc thêm