Không ít người lầm tưởng những CEO tập đoàn lớn hay các founder, hay những nhân sự quản lý cấp cao tại các tập đoàn đa quốc gia khi khởi nghiệp hay ra ngoài lập nghiệp sẽ thành công. Bởi họ có kiến thức chuyên môn tốt, kinh nghiệm nhiều năm và năng lực của họ được chứng minh qua vị trí nắm giữ hiện tại.
Tuy nhiên thực tế khá phũ phàng, không phải tất cả những người giỏi trong xã hội đều thành công khi lập nghiệp. Không ít người trải qua thách thức, vấp ngã đầy khắc nghiệt. Thậm chí nhiều người phải chấp nhận rằng mình thua cuộc.
Trong một buổi hội thảo, Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SUNHOUSE từng chia sẻ, rất nhiều CEO, những người giỏi, nhà lãnh đạo làm ở tập đoàn đa quốc gia nhưng đến khi ra lập nghiệp 90% thất bại.
Shark Phú kể câu chuyện về một người em làm việc tại một tập đoàn lớn với mức lương 20 - 30 triệu, cậu em luôn trăn trở: "Em nói tiếng Anh tốt, mọi thứ em biết tốt nhưng sao chẳng có ô tô đi. Thế nhưng tại sao ở các làng nghề, nhiều người chỉ mới học hết lớp 7, lớp 8 nhưng vẫn là ông chủ, họ có xe nọ xe kia".
Shark Phú chỉ ra điều khác biệt của người thành công: " Họ khác biệt bởi họ tập trung, họ nghĩ ra sản phẩm này và chỉ tập trung làm sản phẩm đó. Họ dùng tất cả các nguồn lực xung quanh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất để tạo ra sản phẩm/dịch vụ tốt nhất trong khu vực chiếm lĩnh. Và họ biết chuyển mình đúng lúc.
Bản thân tôi phải tái cấu trúc liên tục trong vòng 2 năm, có thể có tới 4 - 5 lần thay đổi. Trước kia lương nhân viên mới ra trường chỉ 500 - 700 nghìn đồng. Nhưng đến bây giờ tôi phải trả vài chục triệu đồng. Tức là mỗi giai đoạn, chúng ta cần nhân sự khác nhau, đối tác khác nhau, bạn đồng hành có thể khác nhau. Vấn đề là chúng ta dám thay đổi và biết thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn. Đó là mấu chốt để vận hành doanh nghiệp tốt và thành công".
Ông chủ SUNHOUSE cũng chia sẻ có nhiều con đường dẫn đến thành công và Shark sẽ không khuyên mọi người đi theo con đường nhất định. Bởi trong kinh doanh, cơ hội là bước ngoặt lớn, có người đến 50 tuổi - cơ hội mới tới. Nhưng cũng có người mới 20 tuổi cơ hội đã tới.
"Tuy nhiên, để dẫn đến thành công thì bạn cần đủ kiến thức, kinh nghiệm để quản trị cơ hội. Nghĩa là bạn phải liên tục trau dồi kiến thức. Bạn cũng cần tìm ra "cái thiếu" của thị trường mới có thể phát hiện ra điều mới mẻ", Shark Phú nhấn mạnh.
Một số điều lưu ý khi lập nghiệp
1. Xác định ý tưởng kinh doanh: Bạn cần khám phá được đam mê của bản thân. Bạn có thể tổng hợp sở thích, đam mê, và kỹ năng cá nhân để tìm ra ý tưởng mà bạn sẵn sàng đầu tư nhiều tâm huyết nhất. Trong bước này, bạn có thể phải tìm kiếm ý tưởng độc đáo, khác biệt nhưng vẫn đảm bảo mang đến lợi nhuận.
2. Nghiên cứu thị trường và đối thủ: Đây là chìa khóa quyết định sự thành công. Trong đó, bạn cần tập trung vào các yếu tố quyết định, xu hướng tiêu dùng và quy mô thị trường. Điều này giúp bạn nhận biết rõ nhu cầu và mong muốn của khách hàng, đồng thời xác định các cơ hội và thách thức nếu có. Bên cạnh đó, nghiên cứu đối thủ cũng là một bước triển khai quan trọng. Bạn cần hiểu về cạnh tranh trong ngành, chiến lược kinh doanh của đối thủ, cũng như rút kinh nghiệm từ thành công và thất bại của họ.
3. Xác định mô hình kinh doanh: Lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp là quyết định chiến lược quan trọng, đặt nền tảng cho thành công của quá trình khởi nghiệp. Mô hình kinh doanh không chỉ giúp xác định cách tạo ra giá trị cho khách hàng mà còn ảnh hưởng đến quy trình sản xuất, tiếp thị, và tài chính. Sự linh hoạt và sáng tạo trong việc lựa chọn mô hình kinh doanh là chìa khóa để nhanh chóng thích ứng với thị trường đang biến động và đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng.
4. Quản lý tài chính: Bạn sẽ cần xây dựng một kế hoạch ngân sách chi tiết, ưu tiên chi tiêu quan trọng và cân nhắc các khoản tiết kiệm. Việc theo dõi tài chính và đánh giá thường xuyên sẽ giúp doanh nghiệp nhận biết những thay đổi đang diễn ra, từ đó đưa ra các quyết định đúng đắn hơn.
Tổng hợp