Theo BCTC hợp nhất 2021 kiểm toán vừa được công bố, Tập đoàn Mai Linh ghi nhận doanh thu thấp nhất từ trước đến nay là 1.064 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2020. Tỷ suất lãi gộp biên vỏn vẹn 8,4%, thấp hơn nhiều so mức 18,7% của năm trước.
Trong năm, các chi phí cũng giảm so với năm 2020 như chi phí tài chính (giảm 19% còn 114 tỷ đồng), chi phí bán hàng (giảm 29% còn 80 tỷ đồng), chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 15% còn 293 tỷ đồng).
Đáng chú ý, mặc dù đã cắt giảm mạnh chi phí bán hàng và chi phí quản lý, cũng như lợi nhuận khác thu về lợi nhuận 103 tỷ đồng nhưng Mai Linh vẫn lỗ ròng 254 tỷ đồng trong năm 2021, nặng hơn nhiều so mức 173 tỷ của năm 2020 và cũng là lần báo lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động.
Như vậy, tính đến 31/12/2021, lỗ lũy kế của của Mai Linh đã lên đến 1.419 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 4 liên tiếp Mai Linh chìm trong thua lỗ kể từ năm 2018, đã vượt cả vốn góp của chủ sở hữu là 1.246 tỷ đồng. Trước đó năm 2015, đơn vị này từng đạt lợi nhuận tăng trưởng đột biến với 116 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Mai Linh giảm 282 tỷ đồng, xuống mức 4.199 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 1.545 tỷ đồng nhưng dự phòng cũng ở mức cao với 145 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn lên tới 1.480 tỷ đồng, chiếm 35,29% tổng nợ phải trả và chưa thuyên giảm là bao so với đầu kỳ.
Ngoài ra trong năm 2021, Mai Linh đã đầu tư 303 xe và thanh lý 1.017 xe, đưa tổng số phương tiện taxi của toàn hệ thống tính đến ngày 31/12/2021 là 13.861 phương tiện, chủ yếu là dòng xe Toyota, Hyundai, Nissan...
Năm 2022, Mai Linh Group đặt mục tiêu doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.673 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18 tỷ đồng.
Tập đoàn này cũng cho biết hiện đang duy trì một số lượng xe điện tại TP HCM và các dự án ký kết cùng Vinfast liên quan đến ô tô điện trong thời gian tới.