Thời gian gần đây, nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam cho biết tình trạng tài khoản giả mạo những cơ quan, đơn vị nổi tiếng để lừa tiền có dấu hiệu gia tăng. Đáng chú ý, nhiều trường hợp tạo Facebook giả bệnh viện, sau đó sử dụng hình ảnh về các trường hợp bệnh lý nặng, hoàn cảnh éo le, xây dựng câu chuyện đánh vào lòng thương cảm của người đọc để kêu gọi từ thiện.
Anh Lê Duy Quyết (trú Hà Nội) cho biết mới đây bắt gặp một fanpage Facebook giả Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên có hơn 3.400 người theo dõi, đăng đầy đủ tên của những vị trí lãnh đạo bệnh viện, kèm địa chỉ tại địa phương và đường dẫn tới website. Tuy nhiên, trang này có nhiều dấu hiệu khả nghi, ví dụ ảnh của các bài đăng đều là mới xuất hiện gần đây. Theo tìm hiểu của người dùng, fanpage này được tạo từ tháng 9.2022 nhưng tới tháng 4.2025 thì đổi tên thành "Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên", sau đó bắt đầu đăng hình bệnh nhân trong bệnh viện (chưa xác định ở cơ sở nào), sau đó kêu gọi từ thiện từ mọi người.

Facebook giả bệnh viện hoành hành nhưng Meta từ chối tiếp nhận báo cáo sai phạm vì "Không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng"
Ảnh: chụp màn hình
"Dưới bài viết kêu gọi từ thiện thấy có rất nhiều người cũng ủng hộ, mình kiểm tra qua thử thì có không ít tài khoản có vẻ là thật, chứng tỏ không ít người đã bị lừa", anh Quyết chia sẻ trên một nhóm cộng đồng để cảnh báo về tình trạng mọc lên hàng loạt Facebook giả bệnh viện trên mạng xã hội hiện nay.
Nhiều người khác cũng cho biết đã gặp tình trạng tương tự, nhưng các fanpage đó thậm chí lên tới cả triệu người theo dõi, bấm nút Thích trang. Hành động này không chỉ gây thiệt hại cho người dùng, mà còn là tổn thất tới uy tín của các bệnh viện.
Một số đơn vị, là các bệnh viện bị mạo danh, đã sử dụng tài khoản mạng xã hội chính thức của mình để đăng các bài đính chính, cảnh báo người dùng về việc các đối tượng xấu đứng sau những tài khoản Facebook giả bệnh viện để tạo nội dung câu tương tác, từ đó kêu gọi tiền từ thiện hòng trục lợi, Những trang chính thức này đồng thời đăng kèm đường dẫn tới page giả mạo để kêu gọi người dùng cùng nhau báo cáo vi phạm, nhằm sớm ngăn chặn sự việc đi quá xa. Tuy nhiên qua quan sát thực tế của Thanh Niên, những bài đăng này nhận được ít sự chia sẻ, tương tác hơn nhiều so với các bài đăng giả mạo, cho thấy thông tin chính thống vẫn chưa thể tiếp cận tới nhiều người dùng.
Facebook giả bệnh viện lộng hành, Meta để lọt vi phạm
Meta (công ty mẹ của Facebook) liên tục tuyên bố về các thuật toán cũng như điều chỉnh chính sách nhằm kiểm soát thông tin thất thiệt, bài đăng lừa đảo, trục lợi trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những nỗ lực này chỉ như "muối bỏ bể" và giải quyết được phần nổi của tảng băng chìm, trong khi các vi phạm vẫn diễn ra, kẻ lừa đảo thì nhởn nhơ và không ngừng triển khai các kịch bản mới để bẫy thêm nạn nhân.
Lừa đảo chat sex và tống tiền trực tuyến: Thủ đoạn tinh vi và cách phòng tránh
Liên quan đến vụ việc tạo Facebook giả bệnh viện để lừa tiền những người hảo tâm, đã có rất nhiều báo cáo vi phạm được cộng đồng chung tay gửi đi, tuy nhiên đa phần những trang này vẫn tiếp tục tồn tại. Nhiều báo cáo được trả về kết quả với kết luận "Không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" của Meta và từ chối gỡ những nội dung bài viết, dù fanpage giả mạo và nội dung nhiều khi sử dụng hình ảnh đầy thương cảm của trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tình cảnh khó khăn.
Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động mạng xã hội, người dùng nên tránh cảm tính trước các bài đăng với nội dung "lấy đi nước mắt", đồng thời tỉnh táo kiểm tra phần thông tin "Tính minh bạch của trang" (nhấn vào Tên fanpage > Giới thiệu (About) > Tính minh bạch của trang (Page transparency) để xem các thông tin quan trọng như tổ chức quản lý, lịch sử hình thành trang (thời gian thành lập, các lần đổi tên...), vị trí quốc gia thường trú của người quản trị, hoạt động quảng cáo trên trang.
Đây đều là thông tin hữu ích để người dùng có thể biết fanpage đó có gì khả nghi không, bởi thông thường các trang lừa đảo sẽ được tạo trong vòng vài năm, sau đó được đổi tên gần đây, liên quan trực tiếp tới các nội dung, kịch bài thu hút "con mồi", ví dụ kêu gọi từ thiện, chạy quảng cáo mạo danh thương hiệu để bán sản phẩm giá rẻ... Đến nay vẫn chưa có biện pháp kỹ thuật hiệu quả nào từ Meta, Facebook hay các mạng xã hội trong việc ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo trực tuyến trên những nền tảng online này, mà chỉ dựa vào kinh nghiệm và sự tỉnh táo của người dùng để xác thực thông tin, tránh trở thành nạn nhân.