Chứng khoán

Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 dự báo khả quan, cơ hội hấp dẫn để đầu tư dài hạn

Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá những thông tin tiêu cực đã được phản ánh đáng kể vào thị trường. Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước từ tháng 4 – tháng 6 đã có đợt điều chỉnh khá mạnh kể từ đỉnh.  Bên cạnh đó, thanh khoản sụt giảm do nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức rút ròng hơn 2 tỷ USD.

Thận trọng trong ngắn hạn

Theo dự báo của ABS, thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục giao dịch với tâm lý thận trọng chung theo thị trường thế giới sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có thể tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng 1.143-1.342 do thanh khoản chưa có dấu hiệu hồi phục và duy trì tích lũy ở vùng đáy. Mặt khác, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vẫn rút ròng do tâm lý thận trọng trước các tin tức vĩ mô thế giới và thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần chú ý một số yếu tố có thể tác động đến thị trường trong thời gian tới. Theo đó, căng thẳng xung đột Nga-Ukraine tuy đã hạ nhiệt nhưng chưa đi đến đàm phán cuối cùng. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ và Châu Âu đối với Nga có thể ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa và tiếp tục đẩy giá hàng hóa lên cao, làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.

Bên cạnh đó, rủi ro tăng lãi suất của FED cũng là một mối lo ngại của thị trường. Bởi việc FED gia tăng lãi suất nhiều khả năng sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của thị trường chứng khoán thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Một yếu tố nữa cần lưu ý đó là lạm phát Việt Nam có thể cao hơn dự kiến do ảnh hưởng lạm phát toàn cầu sẽ khiến NHNN thực hiện siết chặt chính sách tiền tệ hơn trong nửa cuối năm để kiểm soát ở mục tiêu 4% đề ra và giảm hỗ trợ nền kinh tế.

Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 dự báo khả quan, cơ hội hấp dẫn để đầu tư dài hạn - Ảnh 1.

Diễn biến VN-Index và P/E 2020 - 2022. Nguồn: ABS

Đưa ra chiến lược trong thời điểm này, đội ngũ phân tích cho rằng nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi của thị trường để hạ bớt tỷ trọng margin nhằm đảm bảo an toàn cho tài khoản, cơ cấu lại danh mục đầu tư theo hướng bán ra các cổ phiếu yếu và mang tính chất đầu cơ. Đồng thời, nhà đầu tư cũng có thể xem xét giải ngân khi các cổ phiếu cơ bản tốt có sự điều chỉnh 10-15%.

Gợi ý về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư nên hướng tới các cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh khả quan. (1) Những nhóm ngành hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu như cảng biển, dệt may, thủy sản (2) Ngành dầu khí với giá dầu duy trì ở mức cao (3) Nhóm ngành phòng thủ như điện, nước… (4) Nhóm ngành hưởng lợi từ phục hồi kinh tế đại dịch với tốc độ tăng trưởng cao và định giá đang hấp dẫn như : Bán lẻ, Ngân hàng, CNTT,...

Định giá về vùng hợp lý để đầu tư dài hạn

Theo quan sát của chuyên gia ABS, có thời điểm VN-Index chạm về mốc 1.200 điểm, P/E đã tiệm cận ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 3/2020 (12x lần). Hiện tại, mức định giá PE trailing của thị trường đang dao động quanh mức 12,8x. So P/E cùng giảm với khu vực cùng thì định giá Việt Nam đang ở mức hấp dẫn hơn.

Bên cạnh mức định giá thấp, tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 của toàn thị trường dự kiến tăng 20%. Đây là mức tăng trưởng tích cực trên nền cao của năm 2021 và sẽ là động lực hỗ trợ thị trường. Với mức tăng trưởng lợi nhuận nêu trên, đội ngũ phân tích cho rằng mức định giá hiện nay đang khá hấp dẫn với một nền kinh tế ổn định như Việt Nam và là cơ hội tốt cho đầu tư dài hạn. Bởi lịch sử cho thấy khi P/E của VN-Index giao dịch ở mức thấp thì thường cho mức lợi nhuận cao sau đó.

Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 dự báo khả quan, cơ hội hấp dẫn để đầu tư dài hạn - Ảnh 2.

So sánh P/E các nước trong khu vực. Nguồn ABS

Dưới góc nhìn dài hạn, ABS kỳ vọng VN-Index vẫn sẽ tăng trưởng và hướng tới mốc 1.400 điểm vào cuối năm nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất, định giá quanh đáy lịch sử với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường  trên 20% giúp chỉ số PE forward 2022 ~9,0x - mức rất hấp dẫn để đầu tư dài hạn.

Thứ hai, các doanh nghiệp sẽ công bố Kết quả kinh doanh bán niên trong tháng 7/2022 sẽ lấp đầy khoảng trống thông tin trong giai đoạn trước dự báo tích cực hơn theo kinh tế vĩ mô.

Thứ ba, triển vọng thanh khoản quay trở lại khi số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5 tăng mạnh trở lại với gần 500 nghìn tài khoản và ước tính sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm