Chứng khoán

SSI Research: Họ ngân hàng "gánh" thị trường, VN-Index sẽ dao động trong kênh giá 1.150 - 1.223 điểm trong tháng 7

Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 của SSI Research, hầu hết các thị trường chứng khoán (TTCK) lớn trên thế giới đều đi xuống trong 6 tháng đầu năm trước sức ép của lạm phát và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát, riêng Fed đã thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% vào ngày 15/6.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 (TTCK Mỹ) giảm 19,9%, chỉ số Stoxx600 (TTCK Châu Âu) giảm 16,2%. Riêng 2 chỉ số MSCI Asia Pacific và MSCI EM cũng mất lần lượt 17,3% và 20% điểm số.

Không nằm ngoài xu hướng, TTCK Việt Nam có tháng điều chỉnh thứ 3 liên tiếp. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 tại 1.197,6 điểm, mất 95,08 điểm, tương đương 7,36% so với thời điểm cuối tháng 5.

Có thể nhìn thấy thị trường trải qua 2 giai đoạn rõ rệt khi trạng thái lưỡng lự xu hướng diễn ra ở tuần đầu của tháng và phần thời gian còn lại áp lực bán giá thấp đã mạnh lên khiến các chỉ số thị trường quay lại vùng điều chỉnh. Chỉ số đại diện TTCK Việt Nam đã mất 20% điểm số so với đầu năm.  

 Nguồn: SSI Research.

Bước sang tháng 7, các nhà phân tích của SSI Research cho rằng, các yếu tố rủi ro từ bên ngoài có thể sẽ tiếp tục tạo thách thức cho thị trường chứng khoán trong ngắn hạn. Bên cạnh xu hướng các Ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét, nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái cũng có thể tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Ngay trong tháng 7, một đợt tăng lãi suất mạnh nữa của Fed khả năng sẽ diễn ra và được công bố vào rạng sáng ngày 28/7. Tương quan giữa thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và TTCK Việt Nam đã lên cao trong thời gian gần đây và nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư nên lưu ý diễn biến này trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, các số liệu về vĩ mô của riêng Việt Nam vẫn khả quan khi tăng trưởng GDP năm 2022 sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu 7%, đồng nghĩa tăng trưởng 7,5% trong nửa cuối năm 2022 nhờ mức nền thấp của năm 2021.

Tháng 7 cũng là cao điểm mùa kết quả kinh doanh bán niên với tăng trưởng lợi nhuận tích cực vẫn ghi nhận ở các ngành cảng & vận tải biển, thủy sản, hóa chất (phân bón), bán lẻ, dầu khí tuy nhiên với những ngành liên quan tới giá hàng hóa thì kỳ vọng tích cực đã được phản ánh phần lớn vào giá.

Riêng với nhóm ngân hàng đang chiếm 31% vốn hóa trên HOSE, SSI Research cũng cho rằng khả năng nhóm này cũng sẽ tạm thời thể hiện vai trò nâng đỡ thị trường về mặt điểm số khi áp lực trích lập dự phòng là chưa lớn do các ngân hàng đã trích lập nhiều cho nợ tái cơ cấu COVID-19 trong 2021 và các khoản nợ xấu tiềm ẩn liên quan đến bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp sẽ có độ trễ khi phản ánh lên báo cáo tài chính.

Với tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức cao (tăng 8,5% từ đầu năm hay 17% so với cùng kỳ) và vượt xa tốc độ tăng trưởng của huy động vốn, thu nhập lãi thuần và NIM của các ngân hàng dự báo sẽ tiếp tục duy trì khả quan trong quý II/2022. Do đó, so với cùng kỳ, lãi trước thuế bình quân của nhóm ngân hàng được dự báo đạt trên 20% và một số ngân hàng lớn có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 40% trong quý II/2022.  

Về diễn biến của thị trường chứng khoán, nhóm phân tích cho rằng kênh giá 1.150 -1.223 điểm có thể là vùng dao động chính của VN-Index trước khi xác nhận xu hướng tiếp theo bằng cách chinh phục cạnh trên hoặc phá vỡ cạnh dưới của kênh giá.

Theo đó, các giao dịch ngắn hạn có thể tận dụng gia tăng vừa phải tỷ trọng cổ phiếu sau khi VN-Index hồi phục lại từ cạnh dưới (1.150 điểm) với khối lượng cải thiện và hạ tỷ trọng khi chỉ số tiệm cận cạnh trên (1.223 điểm).  

 Nguồn: SSI Research.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm