Doanh nhân

Tăng thêm gần 50 tỷ giữa "bão tranh cãi", đại gia Bắc Ninh sở hữu tài sản thế nào

Thị trường giao dịch giằng co trong phiên cuối tuần (17/2), chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,02 điểm, lên 1.059,31 điểm; HNX-Index giảm 0,89 điểm, kết phiên ở mức 209,95 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 4,01 điểm (+0,38%), HNX-Index tăng 1,4 điểm (+0,7%).

Đáng chú ý, tuần giao dịch vừa qua chứng kiến hoạt động bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank – HOSE: STB) sau thời gian dài mua gom. Tính trong 4 phiên giao dịch gần nhất (14/2 – 17/2), nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra gần 14,2 triệu cổ phiếu, giá trị xấp xỉ 336 tỷ đồng.

Khối ngoại đảo chiều sang bán ròng cổ phiếu STB trong bối cảnh Sacombank và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) đang có tranh cãi liên quan đến tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank.

Tăng thêm gần 50 tỷ giữa "bão tranh cãi", đại gia Bắc Ninh sở hữu tài sản thế nào - 1

STB do đại gia Dương Công Minh làm Chủ tịch đang vướng vào tranh cãi về tỷ lệ sở hữu của khối ngoại

Theo đó, ngày 14/2/2023, Sacombank gửi văn bản lên VSD, Ủy ban chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đề nghị xem xét lại tỷ lệ sở hữu tối đa được phép của nhà đầu tư nước ngoài. Sacombank khẳng định room ngoại tại nhà băng này chỉ là 23,63468%, thay vì mức 30%.

Tiếp đó, ngày 16/2, VSD đã có công văn trả lời Sacombank về vấn đề này. Cụ thể, VSD khẳng định quản lý tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB là 30% vốn điều lệ hiện tại. Đơn vị này cũng khẳng định từ sau các công văn năm 2014, Sacombank chưa gửi bất kỳ đề nghị thay đổi tỷ lệ sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài...  

Mới nhất, vào chiều ngày 17/2, Sacombank tiếp tục có văn bản cung cấp thông tin và khẳng định quan điểm về vấn đề này. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, tính cả thời điểm Sacombank đã hoàn tất niêm yết bổ sung toàn bộ 400.000.000 cổ phiếu phát hành thêm sau khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Sacombank do Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) công bố liên tục trong nhiều năm là 23,63468%.

Sacombank đề nghị VSD thay vì đưa ra lý do kỹ thuật như hiện nay, cần có văn bản giải thích thỏa đáng và hướng xử lý minh bạch, cụ thể, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.

Giữa những tranh cãi về liên quan đến tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại Sacombank, mã cổ phiếu này vẫn ghi nhận đà tăng 750 đồng/cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua. Thậm chí, chỉ trong 2 phiên giao dịch cuối tuần STB đã ghi nhận mức tăng 1.050đ/cổ phiếu so với phiên liền trước đó.

Đà phục hồi và tăng của STB trong tuần giao dịch vừa qua không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông của ngân hàng, mức tăng này còn giúp khối tài sản của Chủ tịch Dương Công Minh tăng thêm gần 50 tỷ đồng trong tuần giao dịch đầy biến động. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 17/2, khối tài sản của đại gia 62 tuổi người Bắc Ninh đang trực tiếp sở hữu có giá trị hơn 1.526 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhận định về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 20/2, chuyên gia của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến giằng co để VN-Index kiểm định lại vùng kháng cự tại 1.058-1.060 điểm trước khi chỉ số này có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm vào cuối ngày. Khi đó, VN-Index có thể sẽ kiểm định lực mua giá thấp tại hỗ trợ EMA5 đang nằm quanh 1.055 điểm.

Theo VCSC, nếu lực bán ra không mạnh và được hấp thụ tốt bởi lực mua giá thấp, giúp VN-Index duy trì đóng cửa trên 1.055 điểm, chỉ số sẽ có khả năng sẽ tăng điểm trở lại ở những phiên sau đó, hướng lên vùng 1.080-1.090 điểm. Ngược lại, nếu phá vỡ hỗ trợ tại 1.055 điểm, VN-Index có thể sẽ quay trở lại kiểm định vùng hỗ trợ tại 1.038 điểm.

Chuyên gia của Công ty chứng khoán MB (MBS) nhận định việc thanh khoản tuần giao dịch 13 - 17/02 dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng cũng cho thấy áp lực bán không còn mạnh, nhà đầu tư bắt đáy có lãi cũng không vội bán ngay. Hiện tại, thị trường không có nhiều thông tin hỗ trợ để hồi phục mạnh, dòng tiền chủ yếu vận động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Với thanh khoản ở mức thấp, khả năng chỉ số VN-Index vẫn duy trì trạng thái dao động trong vùng 1.040 – 1.075 điểm ở tuần giao dịch từ 20 - 24/02.

Trong khi đó, chuyên gia của công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định sau khi tiếp cận vùng kháng cự đáng lưu ý quanh 1.060, đà hồi phục của chỉ số VN-Index đang có phần chững lại trước áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua áp lực rung lắc giằng co trong các phiên tới của tuần 20 - 24/02 và rủi ro quay trở lại xu hướng giảm điểm vẫn đang có phần lấn át. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trading trong các nhịp hồi sớm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm