Sau phiên bán mạnh đầu tuần thì thị trường chứng khoán đã có phiên hồi phục trở lại trong phiên giao dịch ngày 18/10. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index kết phiên tăng vọt 12,08 điểm (1,15%) lên mức 1.063,66 điểm, cao nhất trong 8 phiên vừa qua. Trong khi đó HNX-Index cũng kết phiên trong sắc xanh với mức tăng 2,66 điểm (1,17%) lên 229,12 điểm. UPCoM-Index đi lên 0,395 đạt 80,32 điểm.
Trái ngược với đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán trong phiên 18/10, mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát do tỷ phú Trần Đình Long giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị lại ghi nhận mức giảm 400 đồng/cổ phiếu tương đương giảm 2,08%, với mức giảm này HPG là một trong những mã cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30. Đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của HPG trong những phiên giao dịch gần đây.
Tài sản của tỷ phú Trần Đình Long giảm hơn 600 tỷ đồng trong phiên thị trường chứng khoán hồi phục mạnh
Mức giảm của HPG trong phiên giao dịch ngày 18/10 khiến khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận giảm hơn 606 tỷ đồng. Tỷ phú người Hải Dương trở thành người ghi nhận giảm tài sản mạnh nhất trong ngày VN-Index hồi phục mạnh.
Cổ phiếu HPG ghi nhận mức giảm hơn 2% trong bối cảnh SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3/2022 của HPG vào khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD.
Tính theo giá thị trường, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đang trực tiếp nắm giữ còn khoản 28.582 tỷ đồng. Dù vậy, với khối tài sản này, doanh nhân người Hải Dương vẫn đang đứng trong Top 3 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Đỗ Anh Tuấn Chủ tịch SSH.
Sau phiên phục hồi mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng thị trường phiên giao dịch ngày 19/10, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường tiếp tục duy trì nhịp hồi phục nhưng vẫn chưa thoát khỏi vùng Gap giảm 1.062-1.073 điểm.
Thanh khoản tăng so với phiên trước nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức khá thấp, đồng thời đồ thị giá hình thành nến lưỡng lự Star, cho thấy dòng tiền hỗ trợ nhìn chung vẫn còn thận trọng, đặc biệt là khi thị trường tăng điểm đến vùng cản.
Với động thái cầu yếu thứ 2 tại vùng Gap giảm 1.062-1.073 điểm, thị trường đã ghi nhận áp lực từ vùng cản này. Dự kiến thị trường sẽ lùi bước trong phiên giao dịch tiếp theo để kiểm tra lại cung cầu tại vùng giá thấp.
Do vậy, nhà đầu tư nên hạn chế mua mới, cần quan sát và đề phòng rủi ro suy yếu từ vùng cản. Đồng thời, nên cân nhắc chốt lời các vị thế ngắn hạn và cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng áp lực chốt lời ngắn hạn quanh vùng kháng cự gần 1.06x điểm khiến cho đà tăng của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên.
Mặc dù vậy, VN-Index vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng nhịp hồi phục và hướng lên vùng đích kỳ vọng kế tiếp quanh 1.08x điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi, chỉ bán một phần vị thế ngắn hạn nhằm cân đối lại tỷ trọng tại vùng cản trên.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) khuyến nghị thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trước khi có xu hướng rõ ràng hơn, nhất là khi ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 10 đang đến gần (20/10). Dự báo trong phiên giao dịch 19/10, sự giằng co có thể sẽ diễn ra giữa lực mua tại hỗ trợ 1.050-1.060 điểm và lực bán tại kháng cự 1.070 - 1.080 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.