Thời sự

HSBC: Việt Nam sẽ dần thắt chặt chính sách tài khoá, dẫn đầu ASEAN về đầu tư công trong 2023

Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo "Triển vọng ASEAN Củng cố tài khóa: Một chặng đường dài", tập trung phân tích về chính sách tài khoá của các quốc gia cũng như khả năng thặng dư/thâm hụt ngân sách.

Theo Ngân hàng HSBC, sau hai năm tung ra những gói hỗ trợ tài khóa không hề nhỏ nhằm hỗ trợ nền kinh tế vực dậy sau đại dịch, nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN được dự báo sẽ thâm hụt ngân sách ở mức cao trong năm 2022.

HSBC lý giải, đối với các quốc gia trong ASEAN, những chính sách hỗ trợ tài khoá khẩn cấp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhằm giảm tác động của tình trạng lạm phát gia tăng.

Malaysia và Indonesia là hai trường hợp đáng lưu ý với mức trợ cấp cao kỷ lục. Tuy nhiên, chính sách này được cân đối bởi phần ngân sách bất ngờ thặng dư từ giá một số loại hàng hóa tăng mạnh trong đó có dầu thô. Bước vào năm 2023, khu vực này có vẻ trở lại giai đoạn củng cố tài khóa nhưng tốc độ triển khai mỗi nước một khác.

Đối với Việt Nam, bội thu ngân sách từ việc xuất khẩu dầu thô cũng phần nào giúp Việt Nam có nhiều dư địa trong nới rộng chính sách tài khoá để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách từ dầu thô ước đạt 60.100 tỷ đồng, gấp 2,1 lần dự toán năm và tăng 103,5% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc tháng 9, ngân sách đang bội thu 241.000 tỷ đồng. 

Việt Nam dẫn đầu về đầu tư công trong ASEAN

Báo cáo từ HSBC cũng chỉ ra rằng, sau các gói hỗ trợ phục hồi cao kỷ lục trong hai năm qua, các nhà làm chính sách ASEAN tỏ ra khá dè dặt trong việc quyết định ngưng hỗ trợ chính sách quá nhanh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi mới chớm diễn ra.

Trong bối cảnh lạm phát ở mức cao, nhiều nước đã công bố thêm chính sách hỗ trợ trong năm 2022 nhằm giúp giảm nhẹ tác động của tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Trong đó, Malaysia và Indonesia, hai quốc gia xuất khẩu năng lượng chính của khu vực, gặp thuận lợi nhờ tận dụng ngân sách “bội thu bất ngờ” liên quan đến năng lượng làm nguồn ngân sách hỗ trợ.

HSBC dự báo, nhìn vào ngân sách năm 2023, khu vực này nhiều khả năng sẽ trở lại thời kỳ củng cố tài khóa dù tiến độ triển khai mỗi nước một khác. Singapore, Indonesia và Việt Nam nhiều khả năng sẽ đứng đầu khu vực với kế hoạch/dự định đưa tỷ trọng thâm hụt trên GDP về gần mức của thời điểm trước đại dịch, còn Malaysia, Philippines và Thái Lan sẽ triển khai với tiến độ chậm hơn. 

Trong bối cảnh đó, HSBC cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng lại dẫn đầu khu vực về đầu tư công cho cơ sở hạ tầng. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư mạnh cho phát triển hạ tầng tương đương 6% GDP mỗi năm.

Nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và thích ứng với tốc độ đô thị hóa đang gia tăng, nền kinh tế này ngày càng cần nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng “truyền thống”. Mặc dù vậy, nhiều dự án đã rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài và đội vốn.

Ví dụ, công tác xây dựng của phần lớn trong số 11 dự án thành phần thuộc đường cao tốc Bắc Nam, theo kế hoạch phải hoàn thành trong giai đoạn 2017-2020, đã bị chậm tiến độ. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cam kết đóng vai trò tích cực hơn trong việc giám sát tiến độ và tháo gỡ các khó khăn.

9 tháng đầu năm: Ngân sách bội thu hơn 241.000 tỷ đồng

Theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng bằng 94% dự toán năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng bằng 60,9% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước 

Kết thúc tháng 9, ngân sách đang bội thu 241.000 tỷ đồng.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm