Dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng khi nằm viện

Thông tin được TS. BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng lâm sàng TP HCM, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam, chia sẻ ngày 14/12.

"Thực trạng dinh dưỡng người bệnh ở các bệnh viện Việt Nam rất đáng báo động", bác sĩ Tâm nói. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bệnh nhân nằm viện ở các nước đang phát triển cũng cao tương tự. Ở nước phát triển như châu Âu, tỷ lệ này khoảng hơn 31%. Suy dinh dưỡng làm người bệnh yếu sức, vết mổ lâu lành, chậm hồi phục bệnh, kéo dài thở máy ở bệnh nhân hồi sức và tăng nguy cơ tử vong.

Tại những bệnh viện tuyến cuối như Chợ Rẫy, lượng bệnh nhân nặng nhiều, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở một số khoa có thể lên hơn 60%. Một số người sau thời gian nằm viện, do ảnh hưởng của bệnh tật, quá trình nằm bất động... nên càng suy kiệt. Những bệnh nhân này được can thiệp dinh dưỡng đầy đủ sẽ hạn chế suy kiệt tiến triển trầm trọng.

Theo bác sĩ Tâm, nhiều bệnh nhân khi vào viện đã suy dinh dưỡng nặng sau thời gian nằm ở nhà, bệnh nền, lão suy hoặc điều trị tại một số bệnh viện chưa được quan tâm đúng mức, đầy đủ về dinh dưỡng... Tại nhiều bệnh viện, phần lớn người bệnh tự túc chế độ ăn. Người nhà bệnh nhân có thể mua thức ăn bên ngoài bệnh viện, đôi khi không đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc tự nấu đem vào, dẫn đến khả năng thiếu hụt năng lượng, chất dinh dưỡng, càng làm bệnh nhân suy kiệt.

Chẳng hạn, mới đây bác sĩ Tâm hội chẩn cho một bệnh nhân tại bệnh viện lớn ở TP HCM. Bệnh nhân khó cai máy thở, suy kiệt nặng, thường hạ đường máu. Người bệnh điều trị thở máy một tháng do viêm phổi, đái tháo đường, cân nặng từ 50 kg chỉ còn khoảng 40 kg. Hàng ngày, người bệnh được nuôi dưỡng qua ống thông với 1.500 ml súp xay nhuyễn do người nhà tự nấu từ gạo, thịt nạc, khoai tây, cà rốt, muối.

Tổng năng lượng từ phần súp xay nhuyễn do người nhà nấu chỉ cung cấp được 300 kcal và 22 g protid, trong khi nhu cầu người bệnh phải được nhận là 1.500 kcal và 75 g protid. "Người bệnh đã bị thiếu hụt dinh dưỡng kéo dài, dẫn đến thường xuyên bị hạ đường huyết, teo cơ, suy kiệt và suy giảm chức năng miễn dịch, yếu cơ, dẫn đến khó cai máy thở", bác sĩ phân tích.

TS. BS Nguyễn Hữu Quân, Trưởng Đơn vị hồi sức, Phó giám đốc trung tâm cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, kể từng "sửng sốt không nhận ra bệnh nhân là người quen hay đi tập thể thao chung mỗi khi về quê" vì anh suy kiệt, phù, cơ teo tóp, thở thoi thóp qua ống nội khí quản, cân nặng từ 54 kg sụt xuống còn 45 kg, sau một thời gian điều trị tại tuyến dưới.

Người vợ chia sẻ cho biết trong gần hai tuần nằm viện, gia đình mua cháo, sữa cho anh ăn, thỉnh thoảng có tự nấu cháo thịt "cho an toàn", không nắm rõ liều lượng. Nhận định đây là trường hợp khó cai thở máy do suy dinh dưỡng nặng, yếu cơ, khoa mời chuyên gia dinh dưỡng hội chẩn. Rất may, hệ thống tiêu hóa bệnh nhân còn tốt nên các bác sĩ cấp chế độ ăn súp xay từ thịt trứng rau, bí ngô, đậu... với tính toán để đảm bảo đủ các thành phần protid, glucid, lipid, khoáng chất... Bệnh nhân dung nạp tốt, sức cơ khỏe rất nhanh, sau 5 ngày đã cai được máy và sau một tuần đã tăng ba kg.

"Từ trải nghiệm của bác sĩ hồi sức, tôi thấy rất rõ các bệnh nhân nếu được can thiệp dinh dưỡng tốt thì hồi phục nhanh, cai máy thở sớm", bác sĩ Quân nói.

Bữa ăn "5 sao" nội trú

Theo bác sĩ Tâm, nếu dinh dưỡng cho người khỏe mạnh là chế độ ăn thông thường để duy trì sự sống, phát triển, hoạt động thể chất thì dinh dưỡng cho người bệnh là chế độ ăn bệnh lý, được xây dựng và có kiểm soát riêng về hàm lượng, phù hợp với khả năng nhai, nuốt, tiêu hóa hấp thu như đặc, lỏng, xay nhuyễn... Thức ăn cũng được chọn đúng để điều chỉnh rối loạn chuyển hóa, như gạo lứt cho bệnh đái tháo đường không làm tăng đường huyết, lòng trắng trứng để tăng đạm máu, ít muối để giảm phù thũng... Điều này giúp duy trì sự sống, ngăn ngừa suy dinh dưỡng, giảm biến chứng do rối loạn chuyển hóa, tăng khả năng hồi phục bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện từ năm 2006, xây dựng chế độ ăn cho người bệnh phù hợp bệnh lý, được áp dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc. Trong đó, mỗi chế độ ăn bệnh lý có ký hiệu (mã số) riêng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ năm 1998, bệnh nhân vào viện được chỉ định chế độ dinh dưỡng, chế độ ăn phù hợp, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý chuyên biệt như đái tháo đường, thận, bệnh nhân ngoại khoa, hồi sức, bệnh nhân nặng.

Tại một số bệnh viện, vấn đề dinh dưỡng nội trú được chú trọng hơn trước. TS. BS Phan Thị Hằng, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ rằng cách đây khoảng 5-6 năm, các suất ăn cho bệnh nhân và thân nhân được một đơn vị tư nhân bên ngoài phụ trách cung cấp tại căn tin sau đấu thầu, song khó kiểm soát chất lượng, giá cả. Sau nhiều lần ghi nhận ý kiến trái chiều của bệnh nhân lẫn thân nhân, căn tin bệnh viện cũng như khâu cung cấp suất ăn đã được giao lại cho Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho toàn bộ bệnh nhân, thân nhân và cả cán bộ công nhân viên bệnh viện.

Các bác sĩ, chuyên viên dinh dưỡng của khoa sẽ tính toán chế độ ăn hợp lý cho từng bệnh nhân. Điều dưỡng sẽ thông báo trực tiếp cho bệnh nhân những món ăn trong ngày và bệnh nhân lựa chọn món ăn trong chế độ ăn đã được bác sĩ chỉ định. Ví dụ, bệnh nhân mang thai có bệnh lý đái tháo đường sẽ được giảm tinh bột, giảm lượng đường, bệnh nhân mang thai có bệnh lý cao huyết áp sẽ được giảm độ mặn trong khẩu phần ăn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm