Năm 2022, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới mảng tài chính tiêu dùng. Từng giữ ngôi vương về lợi nhuận trong nhóm các công ty tài chính tiêu dùng, FE Credit đã có một năm 2022 không mấy khả quan khi ghi nhận khoản lỗ trước thuế 3.000 tỷ đồng, số liệu được Chứng khoán VNDirect đưa ra trong báo cáo mới đây.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết sự phục hồi của FE Credit chậm hơn nhiều so với dự kiến do điều kiện kinh tế không thuận lợi. Tình trạng sụt giảm của đơn hàng xuất khẩu và hoạt động bất động sản và xây dựng tiếp tục gây ra gánh nặng tài chính cho các cá nhân có thu nhập thấp, những người vốn là khách hàng chính của công ty.
VNdirect ước tính dư nợ cho vay của FE Credit giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3,4% so với cùng kỳ khi tính khoản cho vay 4.570 tỷ đồng mà công ty đã bán cho ngân hàng mẹ. Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ lên 16.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể so với cùng kỳ lần lượt ở mức 28% và 23%, khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong 2022. Tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022.
Theo ban lãnh đạo của ngân hàng mẹ, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động của công ty sẽ dần ổn định và có lãi vào quý III và quý IV năm 2023.
Đồng quan điểm, VNDirect dự báo tăng trưởng cho vay của FE Credit sẽ đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế 700 tỷ đồng. Sang năm 2024, khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng.
Trái ngược với trường hợp của FE Credit, lợi nhuận của hai công ty tài chính tiêu dùng khác là HD Saison và VietCredit lại có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm nay.
Tại HD Saison, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của công ty đạt 1.152 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Riêng trong quý IV, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 158 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm, HD Saison giữ vững vị trí công ty tài chính có thị phần cho vay xe máy lớn nhất thị trường, đạt 41%. Tín dụng của HD Saison sau khi ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên trong năm 2021, đã bật tăng trở lại trong năm 2022 (tăng gần 26%) lên 16.839 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ mức 7,29% vào năm 2021 xuống còn 7,11%.
NIM của công ty tiếp tục được cải thiện lên mức 30,2%. Chi phí vốn tăng từ 5,9% hồi đầu nămlên 7,4%%. Tỷ lệ CIR giảm xuống còn 38,2% từ 44% tại thời điểm đầu năm. ROAE của công ty đạt 24,2% và ROAA đạt 5,8%.
Về Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit), lợi nhuận trước thuế năm 2022 của công ty đạt 76 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt 1.315 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VietCredit ghi nhận hơn 6.535 tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt hơn 4.418 tỷ đồng.
VietCredit cho biết những tháng cuối năm là thời điểm có nhiều biến động từ nền kinh tế vĩ mô nên đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh cả năm của công ty. Theo đó, những biến động về lãi suất và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng – tài chính cuối năm, đặc biệt là trong quý IV/2022 đã tác động làm thay đổi kế hoạch bán hàng của công ty.
Cùng với đó, vào thời điểm cuối năm, chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều thay đổi nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, công ty thực hiện các chính sách xử lý nợ và quản lý rủi ro để đảm bảo quản lý cấu trúc danh mục lành mạnh hơn theo định hướng kinh doanh và yêu cầu của NHNN, dẫn tới chi phí dự phòng tăng cao so với cùng kỳ.
Những thách thức thị trường tài chính tiêu dùng cần lưu tâm
Theo báo cáo “Phát triển tài chính tiêu dùng – kinh nghiệm Quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết quy mô tài chính tiêu dùng khó tăng nhanh trong khi chất lượng tài sản có nguy cơ sụt giảm do khách hàng là nhóm đối tượng dễ chịu tổn thương nhất trước tác động của COVID-19 do mất việc, giảm thu nhập.
Do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai... dẫn tới các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, khiến cho nhu cầu vay tiêu dùng giảm trong ngắn hạn.
Đồng thời, phân khúc chính của các công ty tài chính (các sản phẩm tín chấp và khách hàng có thu nhập hạn chế) là đối tượng dễ tổn thương dẫn tới năng lực trả nợ suy giảm và nguy cơ nợ xấu gia tăng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận kinh doanh sẽ kém khả quan hơn do thu nhập ròng từ lãi có nguy cơ bị thu hẹp bởi áp lực cạnh tranh gay gắt khiến mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm để thu hút khách hàng cùng áp lực phải tăng chi phí dự phòng rủi ro (do chất lượng tín dụng có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh), trong khi các công ty tài chính vẫn chủ yếu vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ thị trường trái phiếu với lãi suất khá cao.
Một thách thức nữa của tài chính tiêu dùng là khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, có thể góp phần lành mạnh hóa thị trường TCTD, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động, khả năng sinh lời của các công ty tài chính, hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty tài chính.
Ngoài ra, áp lực cạnh tranh gia tăng do ảnh hưởng của xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới (Fintech và cho vay ngang hàng – P2P lending).