Giám đốc sở chỉ đạo họp bàn hợp thức hồ sơ
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố các bị can Vũ Liên Oanh (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh) ; Ngô Vui (cựu Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở); Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh (cùng là cựu Phó phòng Kế hoạch Tài chính) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cùng tội nêu trên, cơ quan điều tra còn đề nghị truy tố Hoàng Thị Thúy Nga (Chủ tịch Công ty NSJ Group) cùng 10 đồng phạm khác.
Theo kết luận điều tra, xuất phát từ mối quan hệ quen biết nhau nên khi được Nga đặt vấn đề, trong các năm 2016 đến 2019, bà Vũ Liên Oanh đã chỉ đạo nhóm cán bộ Sở GD&ĐT Quảng Ninh phối hợp với nhân viên của Nga lập 6 dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục.
Đáng chú ý, kết luận điều tra còn thể hiện, sau khi thực hiện các gói thầu, Hoàng Thị Thuý Nga “lại quả” cho bị can Vũ Liên Oanh 14 tỷ đồng, Ngô Vui 14,8 tỷ đồng và Hà Huy Long 1,855 tỷ đồng.
Để che giấu sai phạm, bà Oanh chỉ đạo bị can Ngô Vui, Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh, họp với nhân viên của Nga nhằm hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu; phát hành chứng thư thẩm định giá theo đúng giá thiết bị gói thầu Nga đưa ra.
Còn bị can Nga phân công nhân viên lập hồ sơ dự thầu, làm hồ sơ “quân xanh”, “quân đỏ” để đấu và trúng 6 gói thầu.
Cơ quan điều tra kết luận, 6 gói thầu tại 6 dự án trên có tổng trị giá hơn 636,5 tỷ đồng. Song, không đủ căn cứ xác định hậu quả thiệt hại với 4 dự của các năm 2016, 2017, 2018.
Bị can Hoàng Thị Thúy Nga tại phiên tòa xét xử vụ án thông thầu ở BV Đa khoa Đồng Nai.
Chọn hàng 'độc' để thao túng giá, rồi tiêu hủy tài liệu
Về việc xác định con số thiệt hại của vụ án, tháng 11/2021, cơ quan điều tra đã yêu cầu định giá tài sản. Tuy nhiên, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Ninh không thể kết luận về giá trị của tài sản cần định giá ở cả 6 gói thầu, bởi các tài liệu thu thập không đủ cơ sở pháp lý.
Cơ quan điều tra cho rằng, ngay từ khi nhập khẩu, bà Nga và đồng phạm đã lựa chọn các sản phẩm hàng hóa 'độc', không có trên thị trường nhằm thao túng giá, đối phó cơ quan chức năng sau này. Tại thời điểm tiến hành định giá, do trên thị trường không có các sản phẩm thiết bị tương tự như trong các gói thầu nên không thể thực hiện việc định giá bằng phương pháp so sánh.
Các bị can trong vụ án tại Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, bà Nga còn chỉ đạo nhân viên tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Do vậy, cơ quan chức năng không thu thập được thông tin liên quan đến chi phí của Công ty NSJ Group và Công ty MQF.
Vấn đề xác định thiệt hại tưởng chừng đi vào "ngõ cụt" thì bị can Ngô Mạnh Hùng (thuộc cấp của Nga, là Phó tổng giám đốc Công ty MQF) khai, thời gian còn làm việc ở công ty có sao lưu một số dữ liệu vào USB, trong đó phản ánh được giá gốc của các thiết bị giáo dục mà Công ty NSJ Group và Công ty MQF nhập khẩu.
Dựa trên lời khai của Hùng, Cơ quan điều tra đã thu chiếc USB. Dữ liệu trích xuất thể hiện các thông tin về giá mua trực tiếp từ các hãng sản xuất năm 2019 - 2020, có liên quan đến dự án cung cấp thiết bị giáo dục cho gói thầu Tiểu học năm 2019 tại Sở Giáo dục tỉnh Quảng Ninh.
Cạnh đó, cơ quan điều tra cũng thu được tờ khai hải quan đối với một số hàng hóa cùng chủng loại với hàng hóa cung cấp cho các dự án do Công ty MQF, Công ty NSJ Group nhập khẩu; hợp đồng ký giữa Công ty NSJ Group, Công ty MQF hoặc công ty trung gian ký với các hãng sản xuất...
Từ những bằng chứng thu thập được, cơ quan điều tra làm rõ 2 gói thầu thuộc 2 dự án Mầm non và Tiểu học năm 2019 có giá trị hơn 323 tỷ đồng. Hành vi cấu kết "thông thầu" của nhóm cán bộ Sở Giáo dục Quảng Ninh tại 2 gói thầu này gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng. Đây chính là cơ sở để cơ quan điều tra xử lý trách nhiệm hình sự các bị can trong vụ án.
Với 4 gói thầu còn lại, vì không có dữ liệu các khoản chi phí thực tế để tiến hành thẩm định nên không có căn cứ xác định hậu quả thiệt hại. Áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can và doanh nghiệp, cơ quan điều tra kết luận thiệt hại của 6 gói thầu đến thời điểm hiện tại là hơn 80 tỷ đồng.