Xuất khẩu thuỷ sản chậm lại vào quý III
Trong báo ngành thuỷ sản vừa cập nhật, SSI Research dự báo tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ chậm lại trong quý III/2022 do mức tồn kho cao và áp lực lạm phát tại các thị trường xuất khẩu lớn, đặc biệt là Mỹ.
Với nhu cầu suy yếu và nguồn cung nguyên liệu không thiếu hụt, giá bán bình quân sẽ giảm khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ vào năm 2023.
Theo Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản trong nửa đầu tháng 9 đạt 347 triệu USD tăng 36,2% so với cùng kỳ nhưng giảm 18,7% so với tháng 8.
Trong đó, xuất khẩu tôm và cá tra cũng lần lượt ghi nhận mức giảm lần lượt là 19%, 23% so với tháng trước. Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm và cá tra sang Mỹ lần lượt giảm 17%, 37% so với tháng trước.
Dữ liệu từ Agromonitor cũng cho thấy, giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm 12% so với tháng 8. Mặt khác, xuất khẩu tôm và cá tra sang Trung Quốc lần lượt tăng lần lượt 65%, 4% so với tháng trước.
SSI Research cho rằng, kể từ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng ổn định về nhu cầu. Mặc dù thị trường này rất nhạy cảm với giá cả và dễ biến động nhưng khả năng cao, thị trường Trung Quốc sẽ duy trì đà tăng trưởng vào năm 2023.
“Hầu hết các công ty đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc giãn cách xã hội do COVID-19 vào quý III/2021, chúng tôi kỳ vọng các công ty thủy sản sẽ có mức tăng trưởng thu nhập khá trong quý III/2022. Trong quý IV/2022, các doanh nghiệp sản xuất cá tra kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại nhờ kỳ nghỉ lễ”, trích báo cáo của SSI Research.
Biên lợi nhuận ròng của Vĩnh Hoàn có thể suy yếu quý III
Trong tháng 9, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 917 tỷ đồng tăng 35% so với cùng kỳ, giảm 28% so với tháng trước.
Doanh thu cá tra đạt 540 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ, giảm 31% so với tháng 8 và chỉ bằng 46% doanh thu tháng 4 (mùa cao điểm), chủ yếu do doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc giảm đáng kể. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 7% so với cùng kỳ, giảm 37% so với tháng trước. Thị trường Trung Quốc giảm 4% so với cùng kỳ, giảm 52% so với tháng 8.
SSI Research ước tính, nếu giá bán bình quân cho thị trường Mỹ tăng 24% so với cùng kỳ trong tháng 9 thì sản lượng bán sang Mỹ giảm 25% so với cùng kỳ trong tháng 9.
Hiện tại, VHC chủ yếu ký hợp đồng FOB nên công ty phải chia sẻ chi phí vận chuyển với các nhà nhập khẩu để thúc đẩy doanh thu và duy trì mối quan hệ với khách hàng trong giai đoạn lạm phát hiện nay khi nhu cầu suy yếu. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận ròng của công ty trong quý III/2022.
Cũng trong tháng 9, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 470 tỷ đồng giảm 9% so với cùng kỳ và giảm 10% so với tháng trước.
Tôm là một trong những mặt hàng thủy sản có mức giá cao, trong khi đó giá bán bình quân của tôm Việt Nam cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Mỹ và EU. Vì vậy, FMC dự kiến doanh thu từ tôm sẽ có xu hướng giảm trong quý IV/2022 do áp lực lạm phát vẫn còn.
Tuy nhiên, thị trường nguyên liệu tôm Việt Nam phải đối mặt với điều kiện thời tiết khó khăn trong năm nay nên FMC lạc quan với việc nguyên liệu tôm tự cung cấp của doanh nghiệp có giá thấp hơn giá thị trường, điều này có thể giúp duy trì xu hướng tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý IV/2022.
Còn với CTCP Nam Việt (Mã: ANV), SSI Research ước tính doanh thu thuần trong tháng 8 của doanh nghiệp khoảng 320 tỷ đồng tăng 69% so với cùng kỳ, giảm 24% so với tháng 7. Giá bán bình quân là 2,4 USD/kg (tăng 29% so với cùng kỳ, tăng 3% so với tháng trước).
ANV bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ với doanh thu đạt 20 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng doanh thu trong tháng 8. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã giảm từ 4,8 USD/kg trong quý II/2022 xuống 4,3 USD/kg trong quý III/2022.
SSI Research dự báo, sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong quý /2022 vẫn không đáng kể.