Tài chính

Ông Biden cảnh báo "hậu quả" với Ả rập Xê út vì quyết định cắt giảm sản lượng dầu

Trong động thái mới nhất, ông Biden cảnh báo Ả rập Xê út sẽ phải đối mặt với "hậu quả" vì bất chấp lời kêu gọi của Washington trong việc gia tăng sản lượng dầu trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị đe dọa bởi lạm phát và suy thoái. Ông Biden tuyên bố sẽ đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Riyadh trong cuộc họp với Quốc hội vào tháng tới.

"Tôi sẽ không đi sâu vào những gì tôi đang cân nhắc và những dự tính của mình. Tuy nhiên, sẽ có hậu quả. Khi Hạ viện và Thượng viện trở lại (sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ), sẽ có một số hậu quả cho những gì họ đã làm", ông Biden cho biết.

Với tuyên bố mới nhất, có vẻ Tổng thống Mỹ đã không còn kiên nhẫn với Ả rập Xê út. Trước đó, khi OPEC+ mới công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng, ông Biden đã để ngỏ các khả năng mà Mỹ sẽ làm với Ả rập Xê út.

Tuyên bố sẽ trừng phạt đồng minh năng lượng lâu năm được đưa ra sau khi ông Biden hạ thấp nguy cơ cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ ngay cả khi IMF đưa ra những cảnh báo ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu.

Việc liên minh do Ả ập Xê út dẫn đầu quyết tâm cắt giảm sản lượng sẽ tác động nghiêm trọng tới Chính sách của chính quyền Biden, những người muốn hạ giá dầu trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 8/11 tới. Hiện tại, đảng Dân chủ đang giữ thế đa số mong manh ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhưng hàng loạt các vấn đề với nền kinh tế, bao gồm lạm phát cao kỷ lục cùng nguy cơ suy thoái, có thể khiến họ mất phiếu.

Những ngày gần đây, ông Biden cũng chịu áp lực ngày càng tăng từ những Nghị sĩ Dân chủ nhằm có đường lối cứng rắn hơn với Ả rập Xê út sau động thái mà nhiều người ở Đồi Capitol cho là "sự phản bội" trong mối quan hệ chiến lược và kinh tế lâu đời của hai nước. Một số người còn kêu gọi ngừng bán hầu hết các loại vũ khí Mỹ cho Riyadh trong khi những người khác ủng hộ các biện pháp pháp lý nhằm vào các công ty dầu của Ả rập Xê út.

Về phần mình, Tổng thống Biden đã lên tiếng bảo vệ quyết định công du tới Ả rập Xê út mà ông thực hiện hồi tháng 7, khi ông có cú chạm tay với Thái tử Mohammed bin Salman. Ông Biden nói rằng chuyến công du đó không phải vì dầu mà nhằm đảm bảo "Mỹ sẽ không xa rời Trung Đông".

Trước đó, ông Biden là một trong những người tỏ thái độ với Thái tử Mohammed bin Salman, người đang nắm quyền điều hành Ả rập Xê út, vì cáo buộc ông này đứng sau vụ ám sát một công dân, nhà báo Mỹ.

Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Ông Biden hiện cũng đang tích cực nói về những thành tựu mà chính quyền của ông đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ. Thực tế, những gì người dân Mỹ nghĩ về Chính quyền ông Biden sẽ tác động rất lớn tới cuộc đua của các ứng viên đảng Dân chủ cho những chiếc ghế Nghị sĩ chuẩn bị được bầu lại.

Tham khảo: FT

Cùng chuyên mục

Đọc thêm