Bùng nổ…
Năm 2020, đại dịch COVID -19 xảy ra khiến xã hội Việt Nam có thời điểm ngưng trệ vì giãn cách, sản xuất bị đình đốn, chuỗi cung ứng đứt gãy, dòng tiền của người dân, tổ chức loay hoay không biết “trú ẩn” ở đâu. Quãng gần cuối năm, sau đợt tiêm vắc xin thứ nhất, thị trường bất ngờ có một niềm tin chứng khoán thực sự là nơi “cất tiền” đầu tư lí tưởng. Chuỗi ngày thăng hoa bắt đầu hé mở.
Theo đó, chỉ số VN- Index từ mức “èo uột” hơn 700 điểm sau một quãng dài lao dốc nay được hà hơi, tiếp sức phi dễ dàng lên ngưỡng trên 1.000 điểm rồi nhảy vọt lên 1.200 điểm; kéo theo cuộc đổ bộ của nhà đầu tư mới tiến vào thị trường. “Cơn lốc” kiếm tiền từ chứng khoán sau hơn một thập kỷ có dấu hiệu lặp lại khi dòng tiền nội tiền ngoại liên tục được “bơm”, số tài khoản nhà đầu tư FO tăng thêm hàng triệu. Cả thị trường trở nên “nóng rực” với những phiên thanh khoản khủng, thị giá cổ phiếu tăng vọt thêm 3-4 lần thậm chí có cổ phiếu tăng gấp chục lần.
TTCK với nhiều khúc ca thăng hoa và sóng. Ảnh: Như Ý
Sức sống của thị trường náo nhiệt hơn khi các doanh nghiệp chứng khoán ồ ạt tuyển người, nhiều ông chủ, tổ chức đua nhau tìm mua giấy phép thành lập các công ty chứng khoán (vốn một thời gian bị quên lãng nay bỗng“hót hòn họt” với định giá lên tới vài trăm tỷ đồng). Tiền vào chứng khoán tăng từng ngày từng giờ, từ những phiên thanh khoản dưới 10 ngàn tỷ, giá trị phiên giao dịch bắt đầu vọt lên 15-20 ngàn tỷ mỗi phiên; thậm chí có những tuần, tháng dày đặc là “tiền trao, cháo múc” thanh khoản bùng nổ lên tới 25 - 30 ngàn tỷ đồng.
Tháng 3/2021, cách đây 16 tháng, nhà đầu tư hồi hộp chờ đợi mốc kỷ lục thị trường 1.200 điểm của VN-Index sẽ được phá vỡ sau hơn 2 tháng giằng co. Ngày cuối tháng 31/3/2021, thị trường bứt phá theo mẫu hình kinh điển là giá tăng và khối lượng tăng mở ra một chuỗi tăng điểm thăng hoa của thị trường sau đó, kéo dài đúng 1 năm, VN-Index vượt thêm gần 30% lên mốc 1.530 điểm với hàng loạt kỷ lục kèm theo được thiết lập từ thanh khoản tới số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường. Hệ thống công nghệ của HOSE đã “không chịu nổi” sự tham gia nhiệt tình của nhà đầu tư, để rồi có chiến dịch 100 ngày đêm giải cứu …
Thăng hoa và…rơi
Cũng thời điểm đầu 2021, xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp lại ồ ạt tiến vào nhảy “sóng” với những thương vụ M&A hấp dẫn, bí ẩn khó tin. Có doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, nợ xấu tiền ngàn tỷ, giá niêm yết trên HSX dưới mệnh giá 10 ngàn đồng/cổ phiếu nhưng sẵn sàng được nhà đầu tư bỏ một lúc mấy trăm tỷ đồng thanh toán mua sở hữu nhóm cổ phiếu giá hơn gấp đôi trên sàn mức 2X với kỳ vọng phát triển hệ sinh thái phía sau. Cổ phiếu tăng ầm ầm bất chấp tin tốt xấu, đặc biệt, trong cơn biến động này, DN niêm yết đã rất nhanh nhận ra cơ hội tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu để hút tiền của nhà đầu tư vốn đang từ ngân hàng kéo sang. Dòng tiền khi đó đổ vào thị trường như thác lũ. Hết năm 2021, TTCK Việt Nam khép lại, được đánh giá là một trong những thị trường tăng ấn tượng nhất thế giới.
Tiền có thời kỳ vào thị trường chứng khoán ào ào như thác (ảnh: Như Ý).
Các nhóm diễn đàn về chứng khoán cũng “bung” ra vô số và là khởi nguồn lôi kéo số đông các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tại các công ty chứng khoán, các broker, môi giới ào ào lập nhóm tư vấn trên Facebook, Zalo, vài nhà báo viết hay theo dõi mảng chứng khoán cũng lập tức nhạy bén lập group, trang diễn đàn chứng khoán với tư cách Admin. Trào lưu “phím hàng” được nhiều nhóm, tổ lái và cá nhân áp dụng làm “sập bẫy” không ít nhà đầu tư non nớt. “Anh em ơi sáng nay mua con X nhé, chiều nay bán con Y nhé”, “Anh em ơi, con A đang có biến, con B sắp lãi to với game mới rồi…”. Cứ như thế, các lệnh bắn ra liên tục, hào hứng rôm rả từ tối tới khuya, khuya xuyên sáng. Quan sát kỹ mới thấy: ngoài những phân tích mang tính dự báo chút ít, hoặc mò mẫm, đồn đoán còn có không ít tin được bắn ra theo kiểu: DN này sắp có game hay sắp trúng gói thầu này, làm dự án nọ. Mặt trái của phím hàng, đầu tư bầy đàn bắt đầu bộc lộ khi nhiều “con hàng” không lên được như toan tính, nhiều nhà đầu tư đặc biệt giới FO lỗ nặng ngậm ngùi ôm trái đắng. Ít ai ngờ, nhiều mã cổ phiếu được “phím” thực chất phía sau đã được các công ty chứng khoán “ngầm” cam kết với DN đó sẽ “oánh cho lên”.
"Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của chúng ta trên thị trường quốc tế".
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính
Nhưng chẳng có ngày vui nào dài mãi. Tất cả những ngày “mua là thắng” bỗng trở nên xa xôi. Ngày 5/7/2021, VN-Index tiếp tục phá đáy xuống một mức giá thấp hơn, giảm hơn 31 điểm về mức 1.149 điểm, quá xa đỉnh cũ mọi thời đại 1.530 điểm vừa đề cập mới có 3 tháng, để trở về mốc điểm số có được cách đây…16 tháng. Sau đợt hồi phục trước dịp nghỉ lễ 30/4/2022, nhiều người kỳ vọng thị trường TTCK sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Nhưng với 2 phiên giảm mạnh ngày 6 và 9/5, VN-Index mất gần 100 điểm, các nhà đầu tư lại rơi vào trạng thái lo lắng. Do rủi ro tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, và lãi suất được kỳ vọng tăng trong thời gian tới, các chỉ số định giá của TTCK cũng sẽ chịu áp lực giảm đáng kể. Nhiều cổ phiếu giảm tới 40%-60% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Dông bão
Đầu năm 2022, dông bão về những vi phạm pháp luật trên TTCK bất ngờ ập đến với hai “cơn lốc” mang tên Tân Hoàng Minh và FLC. Tin nóng về các vụ bắt chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết với các tội danh như “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng đó, là việc hủy 9 lô trái phiếu gần 10 ngàn tỷ và bắt giữ ông Đỗ Anh Dũng, cựu chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh khiến thị trường vốn rúng động. Đây cũng là lúc, những đè nén sơ hở trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt bung ra.
Hơn một tháng liền, có ít nhất 11 doanh nhân đã bị khởi tố và bắt tạm giam với các cáo buộc liên quan đến những vi phạm tại TTCK Việt Nam. Lúc này, giới đầu tư mới tá hoả nhìn lại để thấy rằng năm qua, nhiều cổ phiếu dù DN làm ăn không mấy khấm khá hoặc chẳng có lí do gì cũng tăng thần tốc. Từ giá chỉ hơn cốc trà đá vài ngàn chút đỉnh, có cổ phiếu được “thổi” căng phồng lên tới vài chục ngàn đồng. Từ mốc vài chục ngàn, chỉ cần tin đồn doanh nghiệp đó đang ôm nhiều dự án bất động sản, hay sẽ sáp nhập thành tập đoàn khủng, thế là cổ phiếu cứ gọi là được thổi “bung nóc”.
Hay như việc huy động vốn dễ dàng cả ngàn tỷ của doanh nghiệp đủ các loại trên thị trường trái phiếu. Chẳng nói đâu xa có thể liệt kê ngay như cổ phiếu Công ty CP NTACO (mã: ATA), chỉ được giao dịch vào thứ sáu và thua lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng tăng giá 21 lần trong năm 2021; cổ phiếu Công ty CP Louis Capital (mã: TGG) tăng giá 16 lần trong năm 2021, từ mức 1.200 đồng/cổ phiếu đầu năm đến mức 20.400 đồng/cổ phiếu cuối năm, thậm chí còn đạt mức đỉnh 74.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 22/9/2021; cổ phiếu Công ty CP Đầu tư PV-Inconess (mã: RGC) tăng từ mức giá 3.200 đồng/cổ phiếu (chốt phiên đầu năm 4/1) lên 40.100 đồng/cổ phiếu (cuối phiên sáng 30/12/2021), tương ứng tăng hơn 11 lần; cổ phiếu của Tổng công ty Licogi (mã: LIC) tăng từ mức 5.700 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức 62.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng gần 10 lần.
Phát biểu tại một hội nghị vào tháng 4/2022, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Bộ công an đã điểm danh những hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường bao gồm: Không chấp hành đúng quy định pháp luật về công bố thông tin liên quan đến thị trường và giao dịch (báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ riêng trong năm 2021 đã có 38 đoàn thanh tra kiểm tra và ban hành 471 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 20 tỷ đồng). Công bố thông tin không đúng sự thật, thao túng giá chứng khoán. Đặc biệt là hành vi mua bán cổ phiếu không báo cáo, không công bố thông tin trước khi giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan cổ đông nội bộ vẫn diễn ra có chiều hướng gia tăng phức tạp, gây thiếu niềm tin cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch, đặt ra những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán.
Năm 2022 cũng được xem là năm sóng gió của Ủy ban chứng khoán Nhà nước với hàng loạt quyết định kỷ luật cảnh cáo, khiển trách đến buộc thôi việc hay thuyên chuyển công tác một số vị trí lãnh đạo quan trọng trong ngành. Đón tin việc các lãnh đạo đứng đầu ngành bị kỷ luật, nhiều anh chị em đang công tác tại Uỷ ban chứng khoán không giấu được nỗi buồn, lo lắng nhưng họ luôn khẳng định: càng phải vững tâm để làm việc, cùng với Bộ chèo chống thị trường minh bạch. Chia sẻ với Tiền Phong, một cán bộ công tác lâu năm khi đó ngậm ngùi: “Chưa bao giờ, ngôi nhà của Ủy ban chứng khoán Nhà nước chúng tôi lại buồn đến thế”.
Vực dậy, cách nào?
Trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư chứng khoán Mỹ bi quan vì những dự báo tiêu cực về kinh tế toàn cầu, những tuần cuối tháng 9 đầu tháng 10 này, TTCK Việt Nam đang phải đối diện áp lực bán ròng trên diện rộng, VN- Index bay hơn 100 điểm và bốc hơi hơn 7,5 tỷ USD giá trị vốn hoá thị trường. Các tỷ phủ đô la của TTCK cũng bỗng chốc hao hụt lớn khối tài sản bao năm tích luỹ. Nỗi ám ảnh VN-Index sẽ bị xuyên thủng đáy 1. 000 điểm bắt đầu hiện hữu.
“Thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu chính phủ là 22,7% GDP, còn quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP. Qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP), ngày 5/6, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định.
Vậy sau những biến cố thăng trầm và sóng gió, chúng ta cần làm gì để vực dậy thị trường? Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, bền vững, người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định sẽ triển khai quyết liệt một số giải pháp. Trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm cũng như tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian…
Với thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài chính, người đang kiêm nhiệm phụ trách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cũng nhấn mạnh rằng: cơ quan quản lý sẽ xử lý rất nghiêm những trường hợp sai phạm trên thị trường để TTCK có một môi trường hoạt động lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho những thành viên, doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính. Ông Chi cũng cho rằng nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ và là yếu tố nền tảng tư vấn tích cực cho TTCK Việt Nam hồi phục và tăng trưởng vững chắc hơn trong thời gian tới.
Theo một chuyên gia, ngoài siết chặt quản lý, nâng cao tính thượng tôn pháp luật, nâng hạng chính là mục tiêu TTCK Việt Nam cần phải ngắm tới. “Nếu được nâng hạng, thị trường sẽ được tiếp thêm sức mạnh mới và mở ra cơ hội thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn từ nước ngoài chảy vào”, vị này nói. Mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2023 chính là mốc TTCK Việt Nam phải nâng hạng.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, hiện Bộ Tài chính đang đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trước năm 2025. “Câu chuyện nâng hạng thị trường là quan trọng để khẳng định vị trí của chúng ta trên thị trường quốc tế”- ông Chi nói.
Chứng khoán giảm sâu, tài sản 7 tỷ phú USD Việt Nam "bốc hơi" tới 5,4 tỷ USD
Tính đến ngày 4/10, diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến khối tài sản của 7 tỷ phú USD Việt Nam "bốc hơi" tới 5,4 tỷ USD chỉ sau gần 7 tháng.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long là hai người giảm tài sản ròng lớn nhất trong gần 7 tháng qua. Theo đó, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng ghi nhận giảm 2 tỷ USD, tương đương mức giảm 32,2% cùng đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua. Trong khi đó tỷ phú Trần Đình Long giảm 1,6 tỷ USD tương đương mức giảm 50% sau gần 7 tháng. Nhóm có quy mô tài sản giảm mạnh tiếp theo là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm 0,7 tỷ USD (-22,5%) xuống 2,4 tỷ USD; ông Hồ Hùng Anh, giảm 0,6 tỷ USD (-26%) còn 1,7 tỷ USD; ông Nguyễn Đăng Quang, giảm 0,5 tỷ USD (-26,3%) còn 1,4 tỷ USD. Tài sản của ông Trần Bá Dương và gia đình chỉ giảm 0,1 tỷ USD suốt gần 7 tháng qua, tương đương mức thiệt hại 6,25%. Chủ tịch Thaco và gia đình vẫn nắm khoảng 1,5 tỷ USD.
Đầu tháng 4, tạp chí Forbes (Mỹ) công bố danh sách tỷ phú thế giới trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện 7 đại diện trong số 2.668 tỷ phú giàu nhất thế giới. Forbes cho biết số liệu chốt danh sách tỷ phú USD thế giới năm 2022 là ngày 11/3, tài sản của các tỷ phú dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái. Tại thời điểm chốt danh sách 7 tỷ phú Việt Nam nắm giữ khoảng 21,2 tỷ USD. Tuy nhiên, với diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ cuối tháng 4 đến nay khiến khối tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam giảm mạnh, có người đã "bốc hơi" tới 50% tài sản.