Tàu đổ bộ Mars InSight ngừng hoạt động dần sau khi xảy ra cơn bão bụi - Ảnh: NASA INSIGHT
Cơn bão bụi lần đầu tiên được quan sát thấy vào ngày 21-9. Đến tuần trước, các quan chức không gian cho hay cơn bão đã phát triển đủ lớn để làm tăng gần 40% lượng bụi trong bầu khí quyển sao Hỏa, theo trang Fox Weather.
Do bầu không khí mờ ảo cản trở ánh sáng đến các tấm pin mặt trời của tàu đổ bộ, năng lượng từ tàu đổ bộ sao Hỏa InSight Mars của NASA đã giảm từ 425 watt-giờ/ngày xuống chỉ còn 275 watt-giờ/ngày.
Pin tiếp tục hỏng và các nhà khoa học của sứ mệnh buộc phải tắt máy đo địa chấn của InSight trong 2 tuần tiếp theo.
Giám đốc dự án InSight của NASA, ông Chuck Scott, cho biết: "Chúng tôi đang ở nấc cuối cùng của bậc thang năng lượng. Nếu có thể vượt qua khủng hoảng này, chúng tôi có thể tiếp tục hoạt động vào mùa đông. Tuy nhiên, tôi lo lắng về cơn bão tiếp theo sẽ xảy ra".
Nhiệm vụ của tàu đổ bộ ban đầu được kéo dài đến cuối năm, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão, nó không có khả năng tiếp tục hoạt động trong thời gian gia hạn.
Cơn bão bụi ảnh hưởng đến tàu đổ bộ InSight là cơn bão thứ ba thuộc loại này được quan sát thấy trong năm nay.
Các nhà khoa học nói rằng tốc độ phát triển của cơn bão đang chậm lại và đến giai đoạn phân rã.
NASA cho biết hầu hết các cơn bão cỡ này xảy ra vào mùa thu và mùa đông. Gió có thể đạt vận tốc lên tới 96km/giờ và tung bụi lên cao vào bầu khí quyển, mất nhiều tuần mới có thể hạ xuống.
Tàu vũ trụ InSight được sử dụng để điều tra địa chấn, đo đạc thời tiết, đã hạ cánh trên sao Hỏa vào ngày 26-11-2018.
Cặp pin mặt trời dài hơn 2 m của tàu tạo ra 5.000 watt-giờ/ngày trên sao Hỏa. Sau đó, nó đã giảm xuống chỉ còn 500 watt-giờ/ngày.
InSight đã vận hành trạm địa chấn hoạt động duy nhất ngoài Trái đất. Thông tin thu thập được từ các trận động đất đã cho phép các nhà khoa học đo độ sâu và thành phần của lớp vỏ, lớp phủ và lõi của sao Hỏa
Nhiệm vụ của InSight gần đây được kéo dài đến cuối năm 2022 với hy vọng sẽ tiếp tục theo dõi địa chấn và thời tiết.