Ảnh mô phỏng tàu DART của NASA và tiểu hành tinh trước vụ va chạm - Ảnh: REUTERS
Sứ mệnh trị giá 330 triệu USD và mất 7 năm phát triển này cũng là cuộc thử nghiệm đầu tiên trên thế giới về hệ thống phòng thủ hành tinh được thiết kế để ngăn chặn nguy cơ va chạm tiềm tàng của thiên thạch với Trái đất, theo Hãng tin Reuters.
Kết quả quan sát bằng thiên văn được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) công bố trong cuộc họp báo ngày 11-10 xác nhận chuyến bay "tự sát" của tàu vũ trụ DART ngày 26-9 vừa qua đã đạt được mục tiêu chính: thay đổi hướng đi của tiểu hành tinh Dimorphos.
Các phép tính thiên văn trong hơn 2 tuần qua cho thấy Dimorphos đã xích lại gần tiểu hành tinh lớn hơn mà nó đang quay quanh, Didymos, hơn một chút. Đồng thời, chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos quanh Didymos cũng ngắn hơn trước 32 phút, theo NASA.
Ngày 26-9, NASA đã tường thuật trực tiếp vụ va chạm giữa tàu vũ trụ DART với tiểu hành tinh Dimorphos, cách Trái đất khoảng 10,9 triệu km. Con tàu đã lao vào Dimorphos với vận tốc 22.531 km/h.
Mục tiêu của DART là tiểu hành tinh có kích thước bằng một sân bóng đang quay quanh một tiểu hành tinh lớn hơn nó 5 lần với chu kỳ quỹ đạo là 11 giờ 55 phút. Hiện nay, các phép tính cho thấy chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos quanh Didymos là 11 giờ 23 phút khi Dimorphos bị đẩy lại gần Didymos hàng chục mét sau vụ va chạm.