FDI đổ vào bất động sản chiếm 22,5%
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường tháng 1/2022 của Batdongsan.com.vn, trong tháng đầu năm, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đã tăng 61,2% so với cùng kỳ năm trước, ở mức 967 doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 610, tăng 304%.
VinaCapital dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng vượt 7,5% trong năm 2022. Trong đó, tăng trưởng của các hoạt động xây dựng sẽ tăng 8% trong năm 2022, dựa vào việc đẩy mạnh các khoản chi "bù đắp" cho cơ sở hạ tầng và dự tính các quy định đối với mảng phát triển bất động sản sẽ được nới lỏng.
Ngành du lịch vốn đóng góp 8% tăng trưởng GDP (2020) cũng sẽ có nhiều triển vọng khi nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người tiêu dùng Mỹ và các quốc gia phát triển đang tăng đột biến.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 23/1, nước ta đã đón được trên 8.500 khách du lịch quốc tế đến ba địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa và Quảng Nam theo chương trình thí điểm giai đoạn một. Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã có gần 11.000 chuyến bay cất và hạ cánh tại các sân bay trên toàn quốc. Ước tính cả nước đã đón và phục vụ trên 6 triệu lượt khách du lịch nội địa và gần 500 khách quốc tế đã đến Việt Nam theo chương trình "hộ chiếu vaccine". Không chỉ trực tiếp đóng góp cho tăng trưởng GDP, sự phục hồi của ngành du lịch sẽ giúp bất động sản nghỉ dưỡng vốn "ngủ đông" do Covid-19 có cơ hội trỗi dậy.
Tính đến ngày 20/1, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 472 triệu USD, chiếm gần 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Một số dự án đầu tư lớn trong tháng 1 có thể kể đến như dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Nghệ An điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Phú Thọ điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD và dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam tại Bắc Ninh điều chỉnh tăng vốn thêm 216 triệu USD.
Hàng loạt chính sách bắt đầu có hiệu lực
Từ tháng 1, hai chính sách hỗ trợ người mua nhà, xây nhà mới đã có hiệu lực. Thứ nhất là Thông tư số 20/2021 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Theo đó, khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa là 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Khách hàng được vay vốn để xây mới, cải tạo và sửa chữa nhà ở theo thời hạn đã thỏa thuận với ngân hàng nhưng không quá 25 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.
Tiếp theo là Quyết định 1956 ban hành ngày 3/12/2021 của Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ các khoản vay hỗ trợ nhà là 4,8%/năm. Mức lãi suất này vẫn được giữ ổn định như năm 2021 nhưng giảm 0,2% so với năm 2019 và năm 2020.
Loạt dự án trọng điểm được thông qua
Đầu tháng 1, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, với sơ bộ tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng.
Theo nội dung nghị quyết về chủ trương đầu tư được Quốc hội thông qua, địa điểm thực hiện dự án là từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đầu tư 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, giải phóng mặt bằng tất cả các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 27.324 tỷ đồng. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.
Hàng Loạt tin quy hoạch mới
Cụ thể, Yên Bái bổ sung khu công nghiệp Trấn Yên vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với quy mô diện tích 339 ha; Thanh Hóa: phê duyệt 1/500 khu đô thị Núi Long với tổng diện tích khoảng 17.942m2 để bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, đồng thời chỉ tiêu dân số được điều chỉnh lên thành 3.900 người (tăng hơn 1.100 người so với trước); Phú Yên quy hoạch đô thị thị xã Sông Cầu là đơn vị hành chính cấp thành phố; Bà Rịa - Vũng Tàu: phát triển đô thị trung tâm dọc theo trục Quốc lộ 51; Sóc Trăng: khởi công tuyến đường trục Đông Tây Sóc Trăng, trị giá 2.000 tỷ đồng; Cà Mau: phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Năm Căn đến năm 2030;...
Khó xảy ra “sốt đất”
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn khó xảy ra “sốt đất” trong năm 2022. Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, hiện nay, thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022, nhưng rất khó xuất hiện tình trạng "sốt đất".
Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất đang ngày càng công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo "giá ảo" như trước đây.
"Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước", ông Lực dự báo.
Còn theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - chính sách pháp luật về đất đai ngày càng chặt chẽ đã tác động rất lớn đến nguồn cung của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, quỹ đất tại TP. HCM và Hà Nội ngày một hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư đất nền và nhà ở gắn liền với đất của người dân ngày càng tăng mạnh khiến cho giá nhà đất tăng cao.
"Tại những thị trường đã phát sinh giao dịch với giá tăng cao, việc điều chỉnh lại về mức giá cân bằng sẽ mất nhiều thời gian hơn", ông Đính nhấn mạnh.