Kỹ năng sống

Một năm đưa con qua 7 bệnh viện chữa ung thư

"Trước khi nói cho cháu biết, bố mặt thẫn thờ, mẹ thì chỉ khóc. Cháu lạnh người vì sợ. Chưa bao giờ cháu nghĩ mình lại mắc ung thư", Gia Minh, 16 tuổi, ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê nhớ lại khoảnh khắc trĩu nặng với cả gia đình, sát Tết 2021.

Tháng 11/2020, chị Phạm Thị Thơm, 41 tuổi, (mẹ Gia Minh) đi làm về, thấy con trai đi tập tễnh, hỏi thì cậu nói chơi bóng rổ bị ngã. Nhưng một tuần sau, Minh vẫn đau, không đi thẳng người được. Vợ chồng chị Thơm nghỉ làm đưa đi khám. Bác sĩ bệnh viện huyện chẩn đoán Minh bị tràn dịch khớp gối, kê thuốc uống rồi cho về. Nhưng uống thuốc cả tuần không đỡ, linh cảm có gì không ổn, chị Thơm lại đưa con tới lên viện tỉnh. Minh vẫn được cho thuốc điều trị ngoại trú nhưng càng uống thuốc thì chân càng sưng và đau hơn.

Chị Phạm Thị Thơm và con trai Gia Minh trong đợt điều trị hóa chất tại Bệnh viện K Tân Triều hồi giữa năm 2021. Sau các đợt điều trị hóa chất, không ăn được và nôn nhiều, Gia Minh giảm hơn 10kg. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Phạm Thị Thơm và con trai Gia Minh (giường phía ngoài) trong đợt điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều hồi giữa năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kinh qua ba bệnh viện ở huyện rồi tỉnh, tình hình không cải thiện, vợ chồng chị Thơm đành khăn gói đưa con ra Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ xác định Gia Minh bị u xương sụn lành tính, cần mổ để bóc tách khối u. Sau ca phẫu thuật, thấy khối u bất thường, các bác sĩ tiếp tục sinh thiết, phát hiện đó là khối u ác tính.

Cơn ác mộng bắt đầu từ hôm đó. Hai mẹ con bị đẩy vào chuỗi ngày đưa nhau đi hết 7 bệnh viện rồi cứ luân phiên đi lại giữa nhà trọ và viện. "Trước đây, xem TV nhìn thấy những em bé nằm ở viện K, mình không bao giờ nghĩ có lúc con mình sẽ rơi vào tình cảnh ấy", chị Thơm tâm sự.

Sau ca mổ và nhận tin con mắc ung thư, ngày 30 Tết, chị đưa con về quê. "Đó có lẽ là cái Tết buồn nhất của cả gia đình", chị nói. Cả nhà chẳng ai buồn đón Tết, vợ chồng chị Thơm xoay xở tiền nong vì theo phác đồ điều trị con sẽ phải truyền hóa chất, sau đó mổ tiếp.

Vợ chồng chị Thơm cùng hai con đón Tết khi Gia Minh còn học cấp 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vợ chồng chị Thơm cùng hai con đón Tết khi Gia Minh còn học cấp 2. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Từ tháng 2/2021, Minh bắt đầu 6 đợt truyền hóa chất liên tục. Đó mới là khoảng thời gian thử thách với cả 2 mẹ con. Trong ba đợt đầu, Minh hầu như không ăn được gì, chỉ nôn thốc nôn tháo. Ven khó lấy, bị vỡ liên tục, có ngày phải chọc lấy ven 4-5 lần, cánh tay và cẳng chân em thâm sạm lại. "Mình không dám nhìn con những lúc ấy", chị Thơm chia sẻ.

Trước ca mổ ghép xương của con ở Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), bác sĩ lại phát hiện khối u đã ăn sâu nên dự tính có thể phải cắt cụt cả cẳng chân. "Đó là lúc cháu thấy hoảng nhất, không biết mất một chân thì mình sẽ sống thế nào", Gia Minh nhớ lại.

Nghe tin, chị Thơm cũng bàng hoàng bởi với đứa trẻ mê chạy nhảy, chơi bóng lắm như Minh, mất một chân sẽ là điều khó chấp nhận. Chị chạy đôn đáo hỏi han khắp nơi rồi đưa con đi khám thêm ở vài bệnh viện. Cuối cùng, tại một bệnh viện tư, bác sĩ cho biết có thể cố gắng giữ được chân cho con nhưng chi phí ca phẫu thuật lên tới hơn 300 triệu đồng. Chị Thơm bàn với chồng "bằng giá nào cũng làm" rồi sang mượn sổ đỏ nhà của ông bà ngoại, vay ngân hàng được 200 triệu đồng, số còn lại mượn thêm anh em, họ hàng.

Ca mổ đó cũng ám ảnh cả đời chị. Giữa ca phẫu thuật, Gia Minh bị chảy máu trong, phải đi cấp cứu rồi nằm hồi sức tích cực suốt hai ngày một đêm. Thấp thỏm đợi chờ bên ngoài, chị Thơm không thể chợp mắt hay nuốt nổi thứ gì, lòng nóng như lửa đốt.

Rất may là con cũng vượt qua. Sau lần mổ ghép xương này, hai mẹ con chị lại tiếp tục quay lại viện K truyền 12 đợt hóa chất nữa. Thời điểm này dịch Covid-19 phức tạp nên có những đợt đang truyền dở Minh lại phải nghỉ 2-3 ngày tới một tuần. Về quê thì quá xa, ở lại cũng khó khăn, tốn kém. Hai mẹ con đành thuê phòng gần viện nán đợi.

Đầu tháng 1/2022, các bác sĩ phát hiện phổi của Minh có một tổn thương đang tiến triển và cần mổ tiếp. Nhưng sau đằng đẵng những lần truyền hóa chất, cậu bé không còn đủ sức, hai mẹ con lại đưa nhau về quê.

"Ít nhất cháu đã có một cái Tết vui vẻ với gia đình. Đợt tới, chắc mẹ lại đưa con ra Hà Nội, tới Viện Phổi để khám lại rồi tính tiếp nếu cần mổ hay điều trị thêm. Dù thế nào, vợ chồng tôi cũng xác định sẽ cùng con chữa tới cùng", chị Thơm thổ lộ trong ngày đầu năm mới.

Minh là cậu bé thiệt thòi từ nhỏ khi bố mẹ lấy nhau muộn lại không có điều kiện kinh tế. Bản thân chị Thơm sức yếu, không theo được việc đồng áng quê chồng. Sau ngày cưới, chị thuê một kiot nhỏ gần nhà ngoại, cách nhà chồng 40 km để nhận hàng về may gia công. Chồng chị năm nay 60 tuổi, sức khỏe yếu, cũng ít làm được việc ruộng vườn nên phụ vợ việc may vá.

Sinh Minh được 2 tháng, vợ chồng chị đưa con lên ở trong căn kiot để mẹ vừa may vừa trông nom con. Căn phòng rộng hơn 20 m2, kê vừa một chiếc giường, 2 chiếc máy khâu, một góc làm bếp... Năm Minh 3 tuổi, thương cháu suốt ngày cặm cụi ngồi cạnh mẹ, chẳng có chỗ vui chơi, học hành, người dì đưa về chăm tới khi lên lớp 1 lại về với mẹ.

"Thằng bé ngoan lắm, cặm cụi, ít nói, biết thương bố mẹ, có thể đỡ đần gì là làm ngay. Ai ngờ con lại phải gánh chịu tai ương này", chị Thơm nghẹn ngào.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Bình, khoa Nhi, Bệnh viện K Tân Triều, người theo sát Gia Minh trong suốt quá trình điều trị, cho biết chị có ấn tượng đặc biệt với cậu bé có nụ cười hiền, giọng nói khẽ khàng. "Minh ngoan và rất nỗ lực điều trị. Là một bệnh nhân khó lấy ven, gặp nhiều tác dụng phụ trong quá trình truyền hóa chất, nhưng Minh không một lời kêu than mà luôn cố gắng và hợp tác hết sức", chị Bình chia sẻ.

Bác sĩ Trần Đức Thanh, thành viên nhóm phẫu thuật thay xương khớp cho Gia Minh cho biết, Gia Minh được chẩn đoán ung thư đầu dưới xương đùi, khi đến viện bệnh đã nặng và tiến triển nhanh, khối u di căn vào xương, đã xâm lấn và lan ra phần cơ bên ngoài, tổn thương vùng da lớn. Việc phẫu thuật thay khớp được dự đoán sẽ vô cùng khó khăn. Bệnh viện đã giải thích phương án phải cắt cụt chân của Minh nhưng gia đình tha thiết bằng mọi cách để giữ lại được chân cho con. Các bác sĩ phẫu thuật kết hợp với các bác sĩ tạo hình thay khớp nhân tạo, đồng thời chuyển vạt cơ lưng che phủ phần da bị khuyết, nối mạch vi phẫu. Ca phẫu thuật kéo dài tới 7 tiếng, gấp đôi những ca phẫu thuật tương tự, khiến lượng máu mất nhiều, cần phải truyền và bù máu liên tục.

Hiện tại Minh có thể đi lại bình thường, thậm chí đá bóng, tình trạng tiến triển khá tốt nhưng vẫn cần theo dõi thêm.

"Khi tới viện, mặc dù bệnh nặng, cả một bên chân cứng đờ, có khối u to đã ăn hỏng cả khớp, em phải ngồi xe lăn nhưng Gia Minh luôn vui vẻ, lạc quan, nhìn thấy em là thấy nụ cười chứ không phải sự đau đớn, mệt mỏi", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Nói về tương lai, Gia Minh nhỏ nhẹ: "Trước khi bệnh, em nghĩ đơn giản cứ cố học tốt, hết cấp 3 thì thi đại học như các bạn rồi có công ăn việc làm ổn định là được. Giờ em chỉ muốn mau khỏe, học xong sẽ đi xuất khẩu lao động, nhanh kiếm được tiền giúp bố mẹ trả nợ. Bố mẹ không nói, mà em biết gia đình đã phải tốn kém, vay nợ rất nhiều để chữa bệnh cho em".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm