Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 15/2 theo giờ Việt Nam đã giảm 0,2%, trong khi euro tăng 0,3% so với USD, lên 1,1343 USD, trong khi USD tăng 0,2% so với yen Nhật, lên 115,74 JPY. Trong khi đó, rúp Nga mạnh lên khi tăng 1,41% so với USD, lên 75,71 RUB.
Lo ngại về mối bất hòa giữa Nga và Ukraine đã đẩy USD tăng giá mạnh mẽ trong thời gian gần đây khi các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn an toàn.
Bipan Rai, người phụ trách lĩnh vực ngoại hối khu vực Bắc Mỹ của CIBC Capital Markets ở Toronto cho biết: "Một vấn đề rất lớn nhưng chỉ qua một đêm đã trở nên không còn quá quan trọng", ý nói đến vấn đề Nga – Ukraina. Ông nói: "Đó là một trong những lý do khiến đồng đô la Mỹ hoạt động kém hiệu quả".
Các nhà đầu tư sẽ vẫn tập trung vào các diễn biến trong khu vực, bởi những thông tin từ Nga vẫn thu hút phản ứng thận trọng từ Ukraine và các đồng minh phương Tây, và như NATO cho biết họ vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc đã giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Những người tham gia thị trường cũng sẽ cảnh giác trước bất kỳ bình luận nào trong tuần này từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng tăng lãi suất.
Các lãnh đạo của Fed tiếp tục tranh luận về việc bắt đầu tăng lãi suất một cách quyết liệt như thế nào tại cuộc họp vào tháng 3 tới. Mới đây, Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard, đã một lần nữa kêu gọi Fed hãy tăng tốc độ nâng lãi suất. Trong khi đó, các quan chức khác của Fed khác chưa sẵn sàng đồng ý việc tăng lãi suất thêm nửa điểm trong kỳ họp lần này, hoặc thậm chí lo ngại rằng tăng lãi suất có thể gây ra những rắc rối.
"Chìa khóa thực sự sẽ là những gì chúng ta nghe được từ các diễn giả khác của Fed vào cuối tuần này ... Đó có thể là yếu tố rất quan trọng đối với các thị trường trong thời gian tới", ông Rai nói.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cùng với nhiều ngân hàng trung ương khác đã báo hiệu sự thay đổi mang tính bước ngoặt về quan điểm chính sách theo hướng diều hâu hơn trong kỳ họp chính sách tháng này.
Đồng bảng Anh lúc kết thúc ngày 15/2 giảm 0,1% so với USD, xuống 1,3524 USD. Trước đó, đồng tiền này đã tăng giá trong bối cảnh kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Anh có khả năng sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng tới, sau khi đã nâng lãi suất hai lần kể từ tháng 12/2021.
Các nhà đầu tư cũng đang phân tích các dữ liệu kinh tế khác, chẳng hạn như giá sản xuất của Mỹ tháng 1/2022 tăng mạnh nhất trong vòng 8 tháng, hay dữ liệu giá tiêu dùng tháng 1 công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát của Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm.
Tại Châu Á, nhân dân tệ của Trung Quốc giảm khỏi mức cao nhất gần 4 năm, làm dấy lên lo ngại rằng giai đoạn ổn định của đồng tiền này trong thời gian gần đây đã đến hồi kết, có thể ảnh hưởng tới các đồng tiền khác trong khu vực, nhất là khi lãi suất của Mỹ bắt đầu tăng.
Cập nhật tỷ giá tiền tệ quốc tế.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục về mức khoảng 44.000 USD - cao nhất kể từ cuối tuần trước - khi nhà đầu tư lại ‘thèm muốn’ tài sản rủi ro bởi tâm lý lạc quan về việc căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraina đã giảm bớt.
Đồng tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường kết thúc ngày 15/2 đã tăng 5,2% lên 44.449 USD. Các mã thông báo kỹ thuật số khác cũng tăng, theo đó Ether tăng 7%, Solana tăng hơn 9% và DeFi tăng khoảng 7%. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng khởi sắc trong phiên này.
Kenny Polcari, nhà quản lý của Kace Capital Advisors, cho biết: "Những căng thẳng địa chính trị tồn tại trong ba tuần qua dường như đang giảm bớt, do đó, có cảm giác rằng mọi người quay trở lại để tìm kiếm món hời".
James Butterfill, người phụ trách bộ phận nghiên cứu của CoinShares, cho biết các báo cáo rằng chính phủ Nga có thể cho phép giao dịch tiền điện tử, một phần để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài, cũng có thể đẩy các đồng tiền kỹ thuật số tăng giá.
Thị trường Bitcoin gần đây đã bị cuốn vào tâm trạng lo lắng về Ukraine. Những người ủng hộ tài sản kỹ thuật số thường quảng cáo về mối quan hệ không liên quan giữa loại tài sản này với các thị trường tài chính khác. Tuy nhiên, tiền kỹ thuật số vẫn tiếp tục chuyển động cùng chiều với cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Hệ số tương quan giữa hợp đồng Nasdaq 100 kỳ hạn tương lai và Bitcoin hiện đang ở mức 0,4, mà nếu tiến đến 1 tức là chuyển động song song.
"Hiện tại chứng khoán và tiền kỹ thuật số khá tương quan với nhau", ông Butterfill nói. "Rõ ràng là nó khá nhạy cảm với việc tăng lãi suất, nhưng điều gì xảy ra trong tình huống bạn mắc sai lầm về chính sách, chẳng hạn như Fed tăng lãi suất quá mạnh hoặc họ không tăng đủ mạnh và có vấn đề về lạm phát. Điều đó thực sự có thể sẽ hỗ trợ cho Bitcoin nhiều hơn và ít hỗ trợ cho cổ phiếu ít hơn"
Diễn biến giá Bitcoin ngày 15/2.
Giá vàng quay đầu giảm khỏi mức cao nhất nhiều tháng sau khi Nga đưa một số binh sỹ về căn cứ khiến nhu cầu đối với tài sản an toàn giảm xuống.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 15/2 theo giờ Việt Nam giảm 1,2% xuống 1.843,3 USD/ounce, trong khi kỳ hạn tháng 4 giảm 0,9% xuống 1.853,2 USD/ounce. Trước đó, có lúc giá lên tới 1.879,48 USD, cao nhất kể từ 11/6.
Tham khảo: Refinitiv, Bloomberg, Coindesk