Thanh khoản tăng nhiệt
Chứng khoán trong nước vừa trải qua nhịp hồi phục dài, có thời điểm vượt xa mốc 1.200 điểm. Thanh khoản trở lại đều đặn mức tỷ USD, dòng tiền trong nước đóng vai trò chủ lực, hậu thuẫn VN-Index đi lên. Nếu tính từ vùng đáy tháng 11/2022, sau hơn nửa năm, VN-Index đã hồi phục hơn 300 điểm.
Sau nhịp tăng dài, thị trường vấp phải áp lực chốt lời. Tuy nhiên, chỉ số chính không rơi sâu, nhờ dòng tiền bắt đáy kích hoạt quanh vùng 1.180 điểm. Chị Nguyễn Ngọc (Long Biên, Hà Nội) cho biết, sau khi “lỡ” sóng tăng vừa qua, nhân lúc thị trường điều chỉnh, chị đã giải ngân khoảng 30% vốn vào 2 mã bất động sản, xây dựng. “Tôi sẽ quan sát thị trường trước và sau kỳ nghỉ, nếu VN-Index có tín hiệu tăng trở lại, vượt vùng 1.200 điểm, thì xem xét mua thêm”, chị Ngọc bày tỏ.
Trước kỳ nghỉ lễ 2/9, VN-Index vượt mốc 1.200 điểm, và từ nay đến cuối năm, thị trường được dự báo có thể xuất hiện sóng tăng mới. Nhiều dữ kiện ủng hộ cho xu hướng này. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Yuanta nhận định, nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ sớm kết thúc. Trong xu hướng trung hạn, nếu nhịp giảm lần đầu kéo dài, thì nhịp giảm tiếp theo sẽ nhanh kết thúc.
Dù mức định giá hiện không còn rẻ, nhưng theo vị chuyên gia, đây chưa phải vùng rủi ro. So sánh thời điểm hiện tại với giai đoạn 2017-2018, mức chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm và VN-Index chưa cao, nên dư địa tăng trưởng năm 2023 vẫn còn. Lo ngại căng thẳng margin (vay ký quỹ) cũng chưa tới mức rủi ro, do năm 2022, nhiều công ty chứng khoán tăng vốn thành công, nên tỷ lệ margin trên vốn sở hữu vẫn cách xa vùng đỉnh cũ. Quan trọng hơn, nhà đầu tư đang quan tâm trở lại chứng khoán. Số tài khoản mở mới liên tục tăng, đến ngày 31/7, Việt Nam có hơn 7,4 triệu tài khoản. Con số trên tương đương hơn 7% quy mô dân số Việt Nam.
Trái phiếu bớt căng thẳng
Bên cạnh chứng khoán, kênh dẫn vốn khác là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cũng ghi nhận tín hiệu khởi sắc. Những tháng cuối năm, mặc dù áp lực đáo hạn còn lớn, nhưng căng thẳng trên thị trường đã dịu đi. Theo thống kê từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt hơn 145 nghìn tỷ đồng. Sau thời gian dài trầm lắng, huy động vốn “đóng băng”, thì mới đây, liên tục doanh nghiệp phát hành thành công trái phiếu. Nửa đầu tháng 8 (tính tới 18/8), đã có 6 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 5.100 tỷ đồng.
Sau 1 tháng hoạt động, tổng giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ qua sàn đạt hơn 5.700 tỷ đồng. Để biến trái phiếu riêng lẻ thành kênh dẫn vốn phù hợp, còn nhiều việc phải làm. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - cho rằng, việc ra đời sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tạo tiền đề quan trọng, nhưng mới là bước đầu bảo đảm nâng cao thanh khoản.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, nhịp điều chỉnh tích luỹ là cần thiết trước khi VN-Index quay trở lại xu hướng tăng mới. Theo ông Sơn, nửa cuối năm 2023, tỷ giá và lãi suất là hai biến số có thể tác động đến hiệu suất của VN-Index. Sau cú giảm sâu, bật mạnh vừa qua của các cổ phiếu, ông Sơn cho rằng động lực tiếp theo của thị trường sẽ đến từ lợi nhuận. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang có kỳ vọng lợi nhuận cải thiện, khi lãi suất có xu hướng hạ nhiệt, Chính phủ giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.
"Trong 20 năm trở lại đây, mỗi lần thị trường vào pha tăng mới, đà tăng thường rất mạnh. Kỳ vọng dài hạn cho 1-2 năm tới, quy mô thị trường sẽ càng ngày lớn khi chính thức được nâng hạng, những phiên 2 - 3 tỷ USD, thậm chí 5 tỷ USD sẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt đỉnh cũ lên 1.600 điểm vào năm 2025", ông Sơn phân tích.
Kỳ vọng “chốt” hẹn hệ thống KRX
Những tháng cuối năm 2023, kỳ vọng của thị trường trong nước còn đổ dồn vào sự kiện được chờ đợi cả thập kỷ qua, đưa hệ thống KRX vào vận hành. KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2012, HoSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với KRX trị giá 28,6 triệu USD (600 tỷ đồng). Hợp đồng có thời hạn 5 năm, kéo dài khoảng 18 tháng. Thế nhưng, suốt 11 năm qua, HoSE liên tục trễ hẹn về việc đưa hệ thống KRX đi vào hoạt động.
HoSE cho biết, công tác chuẩn bị của hệ thống KRX dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2023, sau đó sẵn sàng triển khai. Với kế hoạch của nhà thầu KRX, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử đợt cuối trong tháng 11/2023. Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống sẵn sàng đi vào vận hành vào cuối năm nay. Cơ quan quản lý sẵn sàng hỗ trợ các công ty chứng khoán để đảm bảo đúng tiến độ dự án được Bộ Tài chính phê duyệt.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng, hệ thống KRX sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn, có thể lên đến 4 tỷ USD/ phiên. Việc vận hành hệ thống mới cũng giúp giảm thời gian thanh toán, từ đó thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. Những thay đổi này giúp giải quyết các vấn đề cần thiết để chứng khoán Việt Nam được nâng cấp lên thị trường mới nổi.
Về vấn đề nâng hạng thị trường, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang chú trọng đưa ra giải pháp tích cực, nỗ lực khắc phục các tiêu chí mà các đơn vị xếp hạng tín nhiệm đưa ra.
Theo lãnh đạo UBCKNN, có hai nhóm vấn đề mang tính trọng yếu trước mắt ảnh hưởng đến việc nâng hạng, đòi hỏi sự phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành. Thứ nhất, về yêu cầu ký quỹ, cần hỗ trợ phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước. Việt Nam có quy định đảm bảo đủ tiền trước khi giao dịch, trong khi đó yêu cầu của tổ chức xếp hạng là không yêu cầu ký quỹ.
Thứ hai là giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. "Trước mắt, chúng tôi đề xuất các bộ ngành rà soát việc hạn chế nhà đầu tư nước ngoài, theo hướng chỉ áp dụng với lĩnh vực cần thiết như quốc phòng an ninh, bảo hộ thương mại", bà Phương khuyến nghị.