Sở hữu nguồn vốn dồi dào, các công ty chứng khoán có khả năng đầu tư vào nhiều loại sản phẩm chứng khoán khác nhau. Điều này giúp cho công ty có thể phân bổ nguồn vốn đầu tư vào nhiều loại sản phẩm khác nhau, tăng tính đa dạng và giảm rủi ro trong danh mục đầu tư.
Theo thông kê của người viết, tổng giá trị tài sản tự doanh của 74 công ty chứng khoán (CTCK) hàng đầu tại thời điểm cuối tháng 6 đạt xấp xỉ 200.532 tỷ đồng (khoảng 8,5 tỷ USD), tăng 18% so với cuối năm 2022. Trong đó, 10 công ty chứng khoán lớn nhất có giá trị danh mục tự doanh đạt gần 131.584 tỷ đồng, tương đương 66% quy mô tự doanh toàn ngành.
Về mặt sổ sách kế toán, hiện các công ty ghi nhận danh mục tự doanh theo ba khoản mục gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS). Tuy nhiên, nếu xét theo phân lớp tài sản đầu tư, ba sản phẩm chính được các công ty chứng khoán lựa chọn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và công cụ thị trường tiền tệ.
Mỗi công ty chứng khoán có chiến lược tự doanh khác nhau. Tuy nhiên, về mặt tổng quan cho thấy các công ty chứng khoán chủ yếu phân bổ danh mục vào tài sản đầu tư có thu nhập cố định (fixed income) như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.
Dữ liệu tại 10 công ty chứng khoán tự doanh lớn nhất, tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ chỉ đạt 19.177 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 14,6%. Trong khi đó, quy mô đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi là 49.035 tỷ đồng và 63.432 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 37,2% và 48,2%. Những sản phẩm khác chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ.
Việc các công ty chứng khoán phân bổ tài sản nhiều vào chứng chỉ tiền gửi liên quan đến việc đảm bảo thanh khoản. Nhiều đơn vị sử dụng sản phẩm đầu tư này để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng khi nhu cầu thanh khoản tăng cao đến từ hoạt động margin của công ty.
Đó là bức tranh tổng quan của ngành, còn xét theo từng đơn vị, quyết định phân bổ tỷ trọng vào từng sản phẩm đầu tư liên quan đến khẩu vị đầu tư trong từng giai đoạn. Nhiều công ty chứng khoán tập trung vào tự doanh cổ phiếu như Vietcap, VIX, SHS, trong khi TCBS, VPBankS đẩy mạnh đầu tư trái phiếu.
Với công ty có danh mục đầu tư quy mô dẫn đầu trong ngành như SSI, công ty chứng khoán này chỉ phân bổ 5,6% vào cổ phiếu, còn lại 31,58% vào trái phiếu và 62,78% mua chứng chỉ tiền gửi và gửi ngân hàng. Trong đại hội cổ đông 2023, đại diện của SSI cho biết công ty nắm phần lớn là trái phiếu của các ngân hàng.
Về phần, chứng khoán VNDirect (Mã: VND) ghi nhận giá trị tự doanh đạt 25.817 tỷ đồng, lớn thứ hai thị trường. Trong đó, cổ phiếu chiếm 1.989 tỷ đồng (7,7%), trái phiếu 10.245 tỷ đồng (39,7%), còn lại chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi 13.582 tỷ đồng (52,61%). Danh mục đầu tư trái phiếu của VNDirect phần lớn là trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên công ty không thuyết minh cụ thể về từng khoản đầu tư.
Hai công ty chứng khoán con của ngân hàng là Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán VPBank (VPBankS) lại phân bổ phần lớn danh mục tự doanh vào trái phiếu. Cụ thể, TCBS là công ty có giá trị đầu tư trái phiếu cao nhất trong ngành chứng khoán với 13.468 tỷ đồng, tương ứng 87,17% tỷ trọng. Theo sau đó là VPBankS với 10.082 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 82,93% danh mục đầu tư. Cũng giống như VNDirect, TCBS rót lớn tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp.
Lựa chọn chiến lược đầu tư an toàn hơn, VPS, Thiên Việt, KBSV tập trung danh mục vào chứng chỉ tiền gửi vào tiền gửi ngân hàng. Đại diện đến từ Hàn Quốc là KBSV mua 100% danh mục của mình là chứng chỉ tiền gửi và tiền gửi. Hay trường hợp VPS, danh mục cổ phiếu chỉ 46 tỷ đồng, không đáng kể so với cả mảng tự doanh trị giá trên 11.000 tỷ đồng (tập trung ở trái phiếu, tiền gửi/chứng chỉ tiền gửi).
Với hoạt động tự doanh cổ phiếu, Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) dẫn đầu về quy mô trong ngành với 6.066 tỷ đồng tại 30/6, chiếm tỷ trọng gần 88% mảng tự doanh, còn lại khoảng 855 tỷ đồng là trái phiếu và tiền gửi. Khoản đầu tư chủ lực của Vietcap là IDP (2.652 tỷ đồng) và một số công ty khác.
Chứng khoán VIX (Mã: VIX) cũng nắm lượng cổ phiếu lớn trị giá 3.556 tỷ đồng trong FVTPL (không có AFS), chiếm 53% cơ cấu tự doanh tại cuối tháng 6. Bên cạnh đó, mảng tự doanh còn ghi nhận 2.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn (thuộc HTM), với lãi suất lên đến 16%/năm, nhận lãi vào cuối kỳ. Với danh mục cổ phiếu, VIX đang nắm giữ lớn nhất đối với EIB (1.063 tỷ), NVL (322 tỷ), GEX (611 tỷ), TBD (342 tỷ), Hạ tầng Gelex (687 tỷ đồng),…
Sở hữu danh mục cổ phiếu lớn thứ ba thị trường là Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS). Giá trị cổ phiếu đầu tư tại 30/6 đạt 2.874 tỷ đồng, chiếm 55% mảng tự doanh. 45% còn lại bao gồm 1.562 tỷ đồng trái phiếu và 830 tỷ đồng tiền gửi.
Dữ liệu thống kê trên cho thấy sự khác biệt trong chiến lược tự doanh của từng công ty chứng khoán. Như vừa đề cập, mỗi loại sản phẩm đầu tư đều có tính chất và rủi ro khác nhau, các CTCK thế mạnh, khẩu vị riêng để quyết định đầu tư vào danh mục phù hợp với chiến lược riêng của mình. Trong bài viết tới, người viết sẽ đề cập đến danh mục tự doanh trái phiếu và cổ phiếu của từng công ty.