Chứng khoán

Chuyên gia KBSV: Chứng khoán tháng 9 có thể xuất hiện những pha rung lắc, song xu hướng tăng vẫn là chủ đạo

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, cụ thể hơn là thị trường cổ phiếu, đã trải qua tháng 8 đầy những cung bậc cảm xúc khi VN-Index tiến lên vùng 1.240 điểm, rồi xuất hiện phiên giảm 55 điểm cùng thanh khoản kỷ lục (phiên 18/8). Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có những chia sẻ về nhận định thị trường, thông tin cần theo dõi trong tháng 9 cũng như lời khuyên đến nhà đầu tư.

Ông đánh giá thế nào về những rung lắc của TTCK trong tháng 8, đặc biệt là phiên 18/8 VN-Index giảm hơn 55 điểm cùng thanh khoản toàn thị trường vượt 42.000 tỷ đồng?

Ông Trần Đức Anh: Diễn biến lao dốc của thị trường phiên ngày 18/8 với thanh khoản bùng nổ đến từ ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, áp lực chốt lời vùng giá cao được tích luỹ trong một thời gian dài khi mà thị trường đã tăng một mạch từ vùng giá trên 1.000 điểm của VN-Index nửa cuối tháng 4 mà chưa có nhịp điều chỉnh đáng kể nào. Thứ hai, diễn biến giảm sâu của cổ phiếu VinFast (VFS tại sàn Nasdaq) phiên liền trước đó trên TTCK Mỹ đã tác động tiêu cực lên nhóm cổ phiếu họ Vingroup, tác động xấu đến tâm lý thị trường chung. Cuối cùng, lo ngại tác động của Thông tư 06 lên dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản khiến nhóm cổ phiếu này diễn biến tiêu cực từ đầu phiên.

Trong đó, yếu tố tôi lo ngại nhất tác động đến xu hướng thị trường trong trung hạn đến từ Thông tư 06, trong khi hai yếu tố còn lại phần nhiều mang tính chất tâm lý. Dù vậy, ngay khi Thông tư 10 sửa đổi Thông tư 06 được ban hành, cùng các thông điệp tích cực từ Ngân hàng Nhà nước, yếu tố này tạm thời được loại bỏ, qua đó TTCK Việt Nam cũng đã có những phản ứng tích cực.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV. (Ảnh: NVCC).

Tháng 9 rơi vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh. Theo kinh nghiệm của ông, thị trường thường diễn biến ra sao quanh những kỳ nghỉ lễ như vậy?

 Ông Trần Đức Anh: Với kỳ nghỉ lễ kéo dài như Tết Nguyên Đán, nhà đầu tư dùng margin (vay ký quỹ) cao thường có xu hướng bán giảm margin để tránh phải trả lãi vay xuyên tết, theo đó có tác động nhất định lên chỉ số VN-Index. Dù vậy, kỳ nghỉ lễ 2/9 chỉ kéo dài 4 ngày (trong đó có 2 ngày là thứ BảyChủ nhật), nên tôi cho rằng xu hướng này sẽ không rõ ràng và không có tác động đáng kể lên diễn biến thị trường chung.

Ngoài yếu tố đó ra, thị trường cũng lo ngại nhiều nhà đầu tư sẽ có tâm lý bán ra để thảnh thơi đi chơi dịp nghỉ lễ. Tôi cho rằng lo ngại này là không có cơ sở. Thêm vào đó, thống kê trong quá khứ cũng không cho thấy xu hướng tăng/giảm đáng tin cậy của thị trường trước và sau kỳ nghỉ lễ ngắn ngày này.

Đâu là những thông tin mà nhà đầu tư cần quan tâm nhất trong tháng 9, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Đối với thông tin quốc tế, bên cạnh các dữ liệu vĩ mô của Mỹ, Trung Quốc và EU, thị trường cũng sẽ tập trung sự chú ý vào cuộc họp chính sách của Cục Dữ trữ Liên Bang Mỹ (Fed) diễn ra vào 20/9. Dù gần như chắc chắn Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này, các tín hiệu của Chủ tịch Fed - ông Powell tại bài phát biểu sau cuộc họp sẽ có tính định hướng rất lớn và có ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường cho kỳ họp tiếp theo vào đầu tháng 11.

Đối với thông tin trong nước, tiến độ triển khai hệ thống công nghệ KRX, xu hướng mặt bằng lãi suất, các căng thẳng về tỷ giá (nếu xuất hiện), thông tin các dự án đầu tư công lớn, các số liệu vĩ mô, cũng như các đồn đoán, kỳ vọng vào số liệu kinh doanh quý III sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Có ý kiến cho rằng thị trường đã đạt đỉnh ngắn hạn quanh 1.240 điểm, khi VN-Index không thể vượt ngưỡng kháng cự này trong tháng 8. Ông đánh giá sao về quan điểm này?

Ông Trần Đức Anh: Dựa trên cơ sở nhịp điều chỉnh giữa cuối tháng 8 có tính chất lành mạnh, chủ yếu để giải toả áp lực chốt lời và phản ứng với một số yếu tố tạo tâm lý tiêu cực, trong khi các yếu tố cơ bản hỗ trợ thị trường hiện nay như chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất, kỳ vọng vĩ mô trong nước đang/hoặc đã qua vùng đáy và sẽ dần tích cực lên từ quý IV, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tương ứng cũng dần phục hồi… tôi không cho rằng mức đỉnh của thị trường trong năm nay dừng ở 1.240 điểm.

Xét về mặt định giá, một cách tương đối, trong khi hầu hết các TTCK chính trên thế giới đã quay trở lại áp sát hoặc vượt đỉnh của năm 2022, TTCK Việt Nam mới đi được gần một nửa chặng đường hồi phục.

(Biểu đồ: FireAnt).

Sau cú giảm mạnh và đầy bất ngờ vào tháng 8, một số nhà đầu tư lo lắng nhưng cũng nhiều người cho rằng đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu. Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư vào lúc này?

Ông Trần Đức Anh: Phiên giảm sâu ngày 18/8 như một cảnh báo rằng xu hướng tăng mạnh mẽ và một chiều của thị trường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8 có lẽ đã chấm dứt. Từ vùng giá hiện tại trở lên, diễn biến thị trường sẽ giằng co, đan xen dù xu hướng tăng vẫn là chủ đạo. Các phiên điều chỉnh sâu vẫn có thể xuất hiện khi có yếu tố tác động tiêu cực mạnh đến tâm lý nhà đầu tư.

Dù vậy, tôi cho rằng việc cố gắng dự báo chính xác từng nhịp tăng/giảm của thị trường ở từng giai đoạn là gần như bất khả thi và trong nhiều trường hợp sẽ khiến nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hi.

Thay vào đó, với việc xác định xu hướng tăng trung hạn vẫn được duy trì, việc mua tích luỹ cổ phiếu ngay ở thời điểm hiện tại thay vì chờ đợi là chiến lược hợp lý với phần đông nhà đầu tư không chuyên. Một số nhóm ngành kỳ vọng có dự báo diễn biến tích cực là chứng khoán và công nghệ thông tin.

Đâu là kịch bản nào cho thị trường trong tháng 9, thưa ông?

Ông Trần Đức Anh: Như nhận định ở trên, tôi cho rằng thị trường tháng 9 sẽ có diễn biến giằng co với xu hướng tăng là chủ đạo. Thanh khoản thị trường sẽ cải thiện dần khi tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư sau phiên 18/8 dần thuyên giảm, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn trong xu hướng thu hẹp.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ chưa thể đảo chiều ngay trong tháng 9 khi mà số liệu vĩ mô khó cho thấy những con số phục hồi rõ nét, trong khi áp lực tỷ giá cũng đang tồn tại.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm