Theo tài liệu do CNBC thu thập, Google đang lên kế hoạch bán quyền truy cập vào Solar API (giao diện lập trình ứng dụng) gồm thông tin liên quan đến điện mặt trời và chất lượng không khí. Dự án này có tên Project Sunroof.
Project Sunroof ra đời năm 2015, là công cụ tính toán về tiết kiệm điện năng khi lắp điện mặt trời. Với ứng dụng tích hợp Solar API, người dùng chỉ cần nhập địa chỉ, hệ thống sẽ đánh giá lượng điện tiềm năng có thể tạo ra ở địa điểm đó, quy mô có thể lắp đặt tấm pin và hóa đơn tiền điện dự kiến. Dựa trên Google Maps, công cụ cũng cung cấp mô hình 3D khi lắp điện mặt trời ở địa điểm nhập vào giúp người dùng dễ hình dung hơn.
Cũng theo tài liệu, Google dự định bán quyền truy cập API vào dữ liệu của từng tòa nhà riêng lẻ, cũng như dữ liệu tổng hợp tất cả tòa nhà ở một thành phố hoặc một vùng cụ thể. Công ty Mỹ hiện có dữ liệu của hơn 350 triệu tòa nhà trên toàn cầu, cao hơn mức 60 triệu tòa nhà từng công bố năm 2017 khi nói về Project Sunroof.
Trong số đối tác của Google có các công ty như SunRun, Aurora Solar và Tesla. Ngoài ra, doanh nghiệp chuyên về bất động sản như Zillow, Redfin, hay khách sạn như Marriott Bonvoy cũng là khách hàng của Google.
Theo ước tính của công ty dịch vụ tìm kiếm Mỹ, việc bán Solar API có thể tạo ra doanh thu 90-100 triệu USD trong năm đầu triển khai. Ngoài ra, nó có tiềm năng kết nối với các sản phẩm Google Cloud sau này. Dù vậy, tài liệu không nêu rõ thời gian triển khai cụ thể.
Google cũng dự định bán API về chất lượng không khí để các nhà phát triển tích hợp vào ứng dụng. Hệ thống cung cấp cho người dùng các chỉ số về không khí, bản đồ nhiệt theo giờ, lịch sử chất lượng không khí trong 30 ngày và các khuyến nghị sức khỏe theo địa điểm cụ thể.
Google chưa đưa ra bình luận.
Động thái của Google diễn ra trong bối cảnh công ty đang tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là từ dịch vụ Google Maps. Hãng chưa tiết lộ doanh thu từ ứng dụng này, nhưng theo nhà phân tích Brian Nowak từ Morgan Stanley, đây là một trong những sản phẩm kiếm được ít tiền nhất trong hệ sinh thái Google.
(theo CNBC)