Hội nghị được phối hợp tổ chức cùng Hiệp Hội Thị trường Tài chính và Chứng khoán châu Á (ASIFMA) với sự hỗ trợ của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm bàn thảo những giải pháp, hướng đến nâng hạng cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Tham dự Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, UBCKNN, Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hồng Kông. Cùng với đó, hội nghị còn sự tham dự của đại diện các tổ chức đầu tư lớn, quỹ đầu tư, công ty quản lý tài sản, công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký, và đại diện của hai tổ chức xếp hạng thị trường quốc tế FTSE Russell và MSCI.
Nâng hạng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam hướng đến
Tại sự kiện, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết, nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng đến. Mục tiêu này đã được đưa vào Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”; đồng thời, cũng đã được đưa vào trong dự thảo “Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030”. Theo đó, Việt Nam hướng đến nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2025.
Lãnh đạo UBCKNN đã khẳng định, trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam. Theo đó, về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản hướng dẫn đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như: tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin bằng tiếng Anh; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường minh bạch hơn,…
“Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, TTCK Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề mới hỗ trợ cho nâng hạng cũng đã được quy định rõ ràng hơn trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP và Thông tư 96/2020/TT-BTC. Sắp đến, UBCKNN sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan để đảm bảo TTCK tăng tính minh bạch, công khai, bền vững, hỗ trợ cho tiến trình nâng hạng”, đại diện UBCKNN cho biết.
“Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam”, lãnh đạo UBCKNN nói thêm.
Hai nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện và tháo gỡ cho nhà đầu tư nước ngoài
Cùng với đó, cơ quan quản lý cũng thường xuyên trao đổi với MSCI và FTSE Russell nhằm cập nhật thông tin thực tế tới các tổ chức này, cũng như để các cơ quan quản lý hiểu rõ các các yêu cầu, tiêu chí từ các tổ chức, từ đó có các giải pháp sửa đổi, hoàn thiện. Đồng thời, Bộ Tài chính, UBCKNN đã và đang tích cực phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức, thành viên thị trường để có những giải pháp giải quyết, tháo gỡ các nhóm vấn đề.
Theo đánh giá chung các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK trong thời gian tới. Đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại hội nghị lần này, đây tiếp tục là hai vấn đề đặc biệt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ; và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết. Riêng đối vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu.
Đại diện UBCKNN cho biết, trong khi chờ CCP, hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Còn về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán, tuy nhiên điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lyndon Chao, đại diện Hiệp hội các Thị trường tài chính và chứng khoán châu Á (ASIFMA), đánh giá Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu và tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng.