Theo Báo cáo tài sản toàn cầu 2022 vừa được ngân hàng Thuỵ Sĩ Credit Suisse công bố, số lượng triệu phú trên toàn cầu sẽ tăng 40% tính đến năm 2026. Đặc biệt số lượng triệu phú USD của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi, bất chấp những khó khăn kinh tế. Tốc độ tăng triệu phú của đất nước tỷ dân cao gấp 7 lần Mỹ. Hiện nền kinh tế số 2 thế giới đang có hơn 6 triệu triệu phú.
Tuy nhiên, lý do thực tế đằng sau lại không hoàn toàn là những điều đáng mừng. Các nhà phân tích của Credit Suisse cho biết việc đạt danh hiệu triệu phú ngày càng trở dễ dàng vì lạm phát tăng cao. Tuy số triệu phú tăng nhưng 1 triệu USD hiện nay không còn giá trị như xưa.
Nền kinh tế số 2 thế giới đang trải qua nửa đầu năm 2022 với nhiều khó khăn. Các hạn chế do COVID đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và sản xuất tại quốc gia này mặc dù hầu hết các nước trên thế giới đã loại bỏ các biện pháp tương tự. Đồng thời nắng nóng khắc nghiệt và lũ lụt vào mùa hè vừa qua đã khiến chuỗi cung ứng trở nên rối ren.
Lạm phát khiến việc đạt danh hiệu triệu phú trở nên dễ dàng hơn. Nguồn: Aljazeera
Những tác động trên đã góp phần vào việc hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc. Nhiều tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế này sẽ lùi về 3% trong năm nay hoặc thậm chí có thể thấp hơn. Đối với một quốc gia đã chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm vượt 7% trong phần lớn thập kỷ qua, một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng tăng trưởng chậm cũng sẽ giống như một cuộc suy thoái đối với Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc nắm giữ vị trí số 2 ở cả hai bảng xếp hạng quốc gia nhiều triệu phú và tỷ phú nhất thế giới. Tuy nhiên trong một thống kê vào đầu năm, có khoảng 160 đại gia Trung Quốc đã bị mất danh hiệu tỷ phú, nhiều nhất trong tất cả các quốc gia. Những nguyên nhân chính gồm dịch Covid và các biện pháp hạn chế, chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ cùng những căng thẳng dai dẳng về thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, bất chấp những kỳ vọng bị giảm sút, Credit Suisse nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc vẫn có một vũ khí bí mật, đó là sự phổ biến ngày càng gia tăng của các tài sản tài chính. Tài sản tài chính — có thể bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và tiền mặt — hiện chiếm gần một nửa tổng tài sản ở Trung Quốc, đã tăng 14% vào năm ngoái và là động lực chính cho sự tăng trưởng tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc.
Sự tăng trưởng của tài sản tài chính ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi tỷ lệ tiết kiệm cao của nước này - năm ngoái chiếm khoảng 45% GDP của cả nước - và sức mạnh tương đối của thị trường chứng khoán, hiện vẫn tập trung vào các cổ phiếu tăng trưởng và có xu hướng vượt trội so với Mỹ và Thị trường châu Âu trong năm nay.