Doanh nghiệp

Lớn nhanh như iMedia...

CTCP Công nghệ và dịch vụ Imedia (iMedia) được thành lập từ tháng 3/2012, hiện đặt trụ sở tại toà nhà Peakview Tower, ở số 36 Hoàng Cầu, Hà Nội. Cách đó vài bước chân là toà nhà Viễn Đông – nơi đặt trụ sở chính của CTCP Truyền thông VMG (VMG Media – Mã CK: ABC).

Thành viên của VNPT từng là công ty mẹ, nắm cổ phần chi phối tại iMedia với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ tháng 7/2020 – 8/2021, chỉ sau 2 đợt tăng vốn của iMedia, tỉ lệ sở hữu của VMG Media tại pháp nhân này giảm xuống chỉ còn 6,12% vốn điều lệ.

2 năm gần nhất, dữ liệu của VietTimes thể hiện, iMedia ghi nhận sự tăng trưởng bằng lần về doanh thu và quy mô tổng tài sản. Trong khi đó, VMG Media lại chìm trong khó khăn bởi ảnh hưởng từ vụ kiện liên quan đến việc bán cổ phần VNPT Epay.

Đáng chú ý, các dịch vụ kinh doanh chính của iMedia lại có nhiều điểm tương đồng (nếu không muốn nói là gần như tuyệt đối) với các lĩnh vực kinh doanh chính mà VMG Media đã cung cấp từ nhiều năm qua, kể như: SMS Brandname; Mã Thẻ, Top-up; Dữ Liệu; VAS.

Việc để 'tuột' iMedia, như VietTimes từng đề cập , trở thành chủ đề làm nóng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 lần 2 của VMG Media với hàng loạt câu hỏi chất vấn của nhóm cổ đông mới đối với HĐQT đương nhiệm.

Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới ngày 9/8/2021 cho thấy, ngoài ông Trần Bình Dương (CEO VMG Media), iMedia còn có 2 cổ đông cá nhân khác, là các ông Vương Việt Hùng và Nguyễn Trung Tưởng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 19,5% và 10% vốn điều lệ. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của iMedia là ông Phạm Ngọc Tú (SN 1984).

Lớn nhanh như iMedia... - Ảnh 1.

2021 là năm chứng kiến sự đột biến trong hoạt động kinh doanh và quy mô tổng tài sản của iMedia.

Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt mức 7.528,3 tỉ đồng, cao gấp 10,9 lần so với đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chiếm tới 80,7% tổng tài sản, với số dư lên tới 6.078,1 tỉ đồng – cao gấp 63,9 lần so với cuối năm 2020. Các năm 2018 và 2019, iMedia đều không phát sinh các khoản đầu tư này.

Đáng chú ý, kể từ sau khi không còn là công ty con của VMG Media, iMedia đã đẩy mạnh đầu tư trái phiếu của một số doanh nghiệp bất động sản.

Đằng sau sự chuyển dịch của iMedia là sự hỗ trợ đắc lực từ một ngân hàng thương mại cổ phần danh tiếng trong nước. Giới chủ của nhà băng này, theo tìm hiểu của VietTimes, có mối quan tâm lớn đến lĩnh vực công nghệ, truyền hình trả tiền.

Ở bên kia bảng cân đối, tính đến ngày 31/12/2021, số dư phải trả ngắn hạn khác của iMedia lên tới 6.790,7 tỉ đồng, tăng 14,8 lần so với đầu năm và chiếm 90,2% tổng nguồn vốn.

Lớn nhanh như iMedia... - Ảnh 2.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, iMedia ghi nhận doanh thu thuần ở mức 9.348 tỉ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2020. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp của công ty này chỉ ở mức 0,45%, giảm một nửa so với năm 2020. Các năm 2018 và 2019, biên lợi nhuận gộp của iMedia chưa tới 1%.

Trong khi đó, hoạt động tài chính giúp iMedia ghi nhận khoản doanh thu lên tới 167,8 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2020 chỉ ghi nhận 0,2 tỉ đồng). Nguồn thu này giúp iMedia báo lãi sau thuế 33,6 tỉ đồng, cao gấp 8,8 lần so với năm 2020./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm