Tài chính

"Cuộc đua" tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới còn lâu mới kết thúc?

Từ Ulaanbaatar cho đến Washington, nhiều nhà hoạch định chính sách đã nâng chi phí đi vay, qua đó thể hiện mối lo ngại chính là lạm phát tăng mạnh nhất kể từ những năm 1980. Những động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với 1 năm trước, khi giới chức NHTW cho biết xu hướng giá cả tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch sẽ sớm kết thúc.

Riksbank của Thuỵ Điển là NHTW đưa ra mức tăng lãi suất mạnh tay nhất với 100 điểm cơ bản, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng 75 điểm cơ bản sau cuộc họp chính sách kéo dài 3 ngày. Indonesia cũng có bước đi quyết liệt hơn, trong khi Thuỵ Sĩ đặt dấu chấm hết cho khoảng thời gian lãi suất dưới 0 ở châu Âu.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại hạ lãi suất, còn Brazil và Na Uy cho biết họ có thể tạm dừng các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ. NHTW Nhật Bản (BOJ) là trường hợp khác biệt trong số các nền kinh tế phát triển khi duy trì mức lãi suất âm và can thiệp vào thị trường nhằm ngăn chặn đà sụt giá của đồng yen.

Chua Hak Bin - nhà kinh tế tại Maybank Investment Banking Group, dự đoán: “Lộ trình thắt chặt của các NHTW còn lâu nữa mới kết thúc. Lạm phát chỉ đạt đỉnh khi giá hàng hoá giảm, nhưng áp lực chi phí tiền lương vẫn chưa đi xuống. Điều này đồng nghĩa với việc lạm phát lĩnh vực dịch vụ và lạm phát lõi vẫn kéo dài dai dẳng.”

Trong khi đó, lãi suất càng cao thì nguy cơ tăng trưởng kinh tế tụt dốc lại càng lớn.

Maurice Obstfeld - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và cựu kinh tế trưởng của IMF, cho biết: “Năm 2021, các NHTW đã hiểu sai về các yếu tố thúc đẩy lạm phát vào năm 2021 và giờ đây họ cũng có thể đang đánh giá thấp thúc đẩy lạm phát sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.”

Dưới đây là nội dung tóm tắt của Bloomberg về quyết định của một số NHTW trên thế giới đưa ra trong tuần này và những động thái có thể xảy ra trong tương lai:

Mỹ

Sau khi điều chỉnh lãi suất dao động trong khoảng 3-3,25%, giới chức Fed đã đưa ra những bình luận “diều hâu” hơn dự kiện. NHTW Mỹ cho biết có thể sẽ tăng thêm 1,25 điểm phần trăm trước thời điểm kết thúc năm.

Theo đó, Goldman Sachs, Bank of America và các ngân hàng Phố Wall khác cũng dự báo Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tháng 11 và lãi suất sẽ đạt đỉnh vào năm 2023.

Chủ tịch Jerome Powell nêu rõ, giới chức NHTW sẵn sàng chấp nhận suy thoái để kiểm soát lạm phát. Theo Bloomberg Economics, việc tăng lãi suất lên 4,5% sẽ khiến Mỹ mất 1,7 triệu việc làm và 5% sẽ khiến số việc làm giảm gần 2 triệu.

Anh

Hôm 22/9, BOE đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc chiến chống lại phát, “theo chân” các NHTW khác trên toàn cầu thậm chí với tốc độ quyết liệt hơn.

Thuỵ Sĩ

Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa chi phí đi vay vượt mức 0 lần đầu tiên sau gần 8 năm.

Một số chuyên gia kỳ vọng mức điều chỉnh lãi suất thậm chí còn lớn hơn, nhưng Tổng thống Thomas Jordan cho biết rằng “không thể khẳng định rằng việc nâng lãi suất sẽ là điều cần thiết để đảm bảo diễn biến giá cả trong trung hạn.”

Cuộc đua tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới còn lâu mới kết thúc? - Ảnh 1.

Khoảng 90 NHTW trên thế giới đã tăng chi phí đi vay trong năm nay.

Thuỵ Điển

Sau khi khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên, Riksbank cho biết họ sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay trong nỗ lực ngăn chặn lạm phát và tin rằng NHTW có khả năng đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu.

Theo dự báo của Riksbank, lãi suất có thể được điều chỉnh tăng 0,5 điểm phần trăm trong tháng 11, tiếp tục tăng cao hơn vào năm 2023 và đưa lãi suất chuẩn lên 2,5%. Một số người cho rằng, giới chức sẽ cần phải cứng rắn hơn trong cuộc họp vào tháng 11 và cả thời gian sau đó.

Na Uy

NHTW Na Uy đã tăng lãi suất chuẩn thêm nửa điểm phần trăm, nhưng báo hiệu rằng lộ trình thắt chặt chính sách có thể sắp kết thúc, khi giới chức nhận thấy nền kinh tế đang bị tác động với động thái chống lại lạm phát của họ. Lãi suất chuẩn của Na Uy hiện ở mức 2,25% - cao nhất kể từ năm 2011.

Brazil

NHTW Brazil đã giữ lãi suất ở mức 13,75% sau 12 lần nâng liên tiếp. 2 giới chức nước này muốn NHTW tiếp tục thắt chặt chính sách và các thành viên của NHTW cho biết họ sẽ cảnh giác với lạm phát và đánh giá việc giữ lãi suất ổn định “trong thời gian đủ dài” để đưa lạm phát về mục tiêu.

Philippines

Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) đã tăng lãi suất lần thứ 5 trong năm nay để “dập tắt” áp lực lạm phát trong bối cảnh đồng nội tệ sụt giá và Fed có những động thái cứng rắn. BSP tăng lãi suất qua đêm thêm 50 điểm cơ bản lên 4,25%. Thống đốc Felipe Medalla cho biết BSP sẽ “làm những gì cần thiết” để đạt mục tiêu lạm phát.

Indonesia

NHTW Indonesia đã đưa ra mức tăng mạnh hơn dự kiến nhằm ngăn chặn lạm phát và ổn định đồng Rupiah, đánh dấu quan điểm cứng rắn hơn. Lãi suất hợp đồng repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày được điều chỉnh tăng 50 điểm cơ bản, mức nâng mạnh nhất kể từ năm 2018, lên 4,25%. Thống đốc Perry Warjiyo cho biết NHTW sẽ thực hiện những động thái để đưa lạm phát trở về mục tiêu từ 2-4% vào nửa cuối năm 2023.

Nhật Bản

Cuộc đua tăng lãi suất của các NHTW trên thế giới còn lâu mới kết thúc? - Ảnh 2.

Diễn biến của đồng yen sau thông báo giới chức can thiệp thị trường tiền tệ từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Masato Kanda.

BOJ vẫn đang duy trì mức lãi suất cực thấp và Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết ít khả năng NHTW sẽ tăng lãi suất trong ngắn hạn. Hôm 22/9, giới chức Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để nâng giá đồng yen lần đầu tiên kể từ năm 1998, khi đồng tiền này giảm giá mạnh so với USD.

Thổ Nhĩ Kỳ

NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một đợt hạ lãi suất gây sốc khác, dù lạm phát đang cao nhất 24 năm và đồng lira thấp kỷ lục.

Uỷ ban Chính sách Tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ do Thống đốc Sahap Kavcioglu lãnh đạo đã hạ lãi suất chuẩn từ 13% xuống 12% hôm 22/9. Trong thông báo đưa ra sau quyết định trên, NHTW nước này cho biết nền kinh tế đã có dấu hiệu mất đà.

Tham khảo Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm