Công nghệ

Skype: Hành trình suy tàn của một tượng đài gọi video trực tuyến

Tóm tắt:
  • Skype ra mắt năm 2003, cách mạng hóa gọi thoại và video qua Internet toàn cầu.
  • Năm 2005, eBay mua Skype với giá 2,6 tỷ USD nhưng không thành công về kinh doanh.
  • Microsoft mua lại Skype năm 2011 với giá 8,5 tỷ USD, thời hoàng kim bắt đầu suy giảm.
  • Skype bỏ lỡ xu hướng di động, mất người dùng vào tay Zoom, FaceTime, Teams và Google Meet.
  • Skype chính thức ngừng hoạt động ngày 5/5, người dùng được khuyến khích chuyển sang Microsoft Teams.
Skype: Hành trình suy tàn của một tượng đài gọi video trực tuyến - 1

Skype chính thức ngừng hoạt động từ ngày 5/5 (Ảnh minh họa: Macone).

Gọi video trực tuyến - phương thức giao tiếp phổ biến ngày nay - từng có thời chỉ là chuyện viễn tưởng.

Vào những năm 2000, phần mềm Skype đã biến giấc mơ đó thành hiện thực cho đông đảo công chúng toàn cầu.

Tuy nhiên, 22 năm sau ngày ra mắt, Microsoft (chủ sở hữu dịch vụ) đã chính thức thông báo rằng Skype sẽ ngừng hoạt động vào ngày 5/5.

Người dùng hiện được khuyến khích chuyển sang nền tảng Microsoft Teams. 

"Skype đã góp phần định hình truyền thông hiện đại và đồng hành cùng vô số khoảnh khắc quan trọng. Chúng tôi rất vinh dự được là một phần của hành trình đó", Microsoft bình luận khi công bố quyết định.

Một ứng dụng từng ảnh hưởng sâu sắc đến nỗi tạo ra động từ "to skype" (gọi Skype) đã đi đến hồi kết như thế nào?

Từ châu Âu đến cuộc cách mạng giao tiếp

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2003 tại châu Âu. Skype được sáng lập bởi Niklas Zennström (Thụy Điển) và Janus Friis (Đan Mạch), với phần mềm được phát triển bởi 3 kỹ sư người Estonia - những người trước đó đã tạo ra Kazaa - một phần mềm chia sẻ file ngang hàng từng khiến ngành công nghiệp âm nhạc lao đao.

Phiên bản đầu tiên trên máy tính chỉ cho phép gọi thoại qua Internet, chưa có video. Nhưng đó đã là một cuộc cách mạng: Người dùng có thể bỏ qua cước phí viễn thông đắt đỏ để gọi miễn phí cho người thân ở nước ngoài, miễn là cả hai cùng cài đặt Skype. 

Thành công đến tức thì khi Skype nhanh chóng có 54 triệu người dùng đăng ký sau 2 năm ra mắt và nó lọt vào mắt xanh của các ông lớn công nghệ. 

Những thương vụ bạc tỷ

Năm 2005, eBay mua lại Skype với giá 2,6 tỷ USD, hy vọng tạo điều kiện trao đổi dễ dàng hơn giữa người mua và người bán trên nền tảng đấu giá của mình. 

Một năm sau, Skype ra mắt tính năng gọi video và tiếp tục phát triển thần tốc, đạt 400 triệu người dùng vào năm 2009. Tiếng chuông đặc trưng của Skype trở thành âm thanh quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người trên thế giới. 

Skype: Hành trình suy tàn của một tượng đài gọi video trực tuyến - 2

Skype từng là nền tảng gọi video phổ biến nhất thế giới (Ảnh: Le Big Data).

Tuy nhiên, sự hợp tác kỳ vọng giữa Skype và eBay không thành hiện thực. Năm 2009, eBay bán lại Skype cho một nhóm nhà đầu tư do quỹ Silver Lake (Mỹ) dẫn đầu với giá 2,75 tỷ USD. Đây là một thương vụ hời. 

Chỉ hai năm sau (năm 2011), Microsoft thâu tóm Skype với giá kỷ lục 8,5 tỷ USD. Đây là thương vụ mua lại đắt giá nhất lịch sử Microsoft lúc bấy giờ.

Lỡ nhịp cuộc cách mạng di động 

Thời kỳ hoàng kim của Skype bắt đầu lung lay với sự xuất hiện của điện thoại thông minh. Skype đã bỏ lỡ cuộc cách mạng di động khi phải cạnh tranh với các dịch vụ mới nổi, tích hợp sẵn và tiện lợi hơn như FaceTime của Apple.

Microsoft cũng mắc sai lầm chiến lược khi cố gắng thêm các tính năng mới cho Skype - thậm chí sao chép cả tính năng video ngắn của Snapchat - nhưng lại lơ là yếu tố cốt lõi.

Chất lượng cuộc gọi video giảm sút, giao diện trở nên phức tạp và người dùng dần rời bỏ Skype để chuyển sang các nền tảng khác như Zoom, Google Meet, WhatsApp, FaceTime, hay chính Microsoft Teams.

Đại dịch Covid-19 với sự bùng nổ các cuộc gọi video đã giáng đòn quyết định. Zoom nổi lên như một giải pháp linh hoạt, hiệu quả và dễ sử dụng, đẩy Skype vào danh mục "công nghệ lỗi thời". 

Trớ trêu thay, nhiều cuộc họp mặt "skyperos" (những người bạn bè, đồng nghiệp từng gắn bó qua Skype) lại được tổ chức trên Zoom.

Thay vì duy trì hai dịch vụ cạnh tranh nội bộ, Microsoft đã quyết định tập trung nguồn lực cho Teams và chính thức khai tử Skype.

Từ ngày 5/5, ứng dụng Skype sẽ hướng người dùng chuyển sang Teams, nơi người dùng cũ có thể tìm lại danh bạ và lịch sử trò chuyện của mình, đảm bảo sự chuyển tiếp liền mạch. 

Hành trình của Skype đã chính thức khép lại.

Các tin khác

Cổ phiếu Novaland tăng trần

Cổ phiếu Novaland (NVL) hôm nay tăng hết biên độ lên 12.250 đồng, vùng giá cao nhất 8 tháng, khi nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng gom hàng.

Tổng thống Sri Lanka mời Vingroup đầu tư vào bất động sản, du lịch

Tổng thống Anura Kumara Dissanayake cho rằng Vingroup có nhiều tiềm năng để đầu tư đa ngành nghề tại Sri Lanka. Ông nhấn mạnh các cơ hội đầu tư của Vingroup trong các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn như: du lịch, tài chính và bất động sản, đặc biệt là tại Colombo - thành phố lớn nhất Sri Lanka.

BIDV Next Gen Future Leader – Bệ phóng vững chắc cho thế hệ kế nghiệp tương lai

Với mục tiêu đồng hành và phát triển thế hệ kế nghiệp cho các khách hàng sở hữu khối tài sản lớn, BIDV ra mắt chương trình "Next Gen Future Leader" cung cấp các kiến thức quản trị tài sản, kinh doanh, nền tảng tư duy lãnh đạo hiện đại, kỹ năng quản lý hiệu quả và mạng lưới kết nối vững chắc dành cho thế hệ kế tiếp.

TP HCM rà soát sữa giả tại hơn 4.600 nhà thuốc

Trong quá trình kiểm tra hơn 4.600 nhà thuốc trên địa bàn TP HCM, lực lượng chức năng phát hiện một trường hợp duy nhất liên quan đến sữa giả Bold Milk Colostrum dành cho cơ xương khớp.

Giá cà phê hôm nay 6/5: Trong nước giảm mạnh

Giá cà phê hôm nay 6/5 ghi nhận sự biến động trái chiều khi thị trường thế giới có xu hướng tăng, giá trong nước lại giảm, giao dịch cao nhất 130.000 đồng/kg.