Lễ bế giảng chương trình "Thiết kế Vật lý Vi mạch VLSI Cơ bản" diễn ra chiều 9/8 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khép lại khóa học trong ba tháng của hơn 70 học viên. Đây là các sinh viên xuất sắc được chọn từ các trường đại học lớn trên cả nước, được cấp học bổng để tham gia khóa đào tạo thiết kế vi mạch chuyên sâu. Chương trình do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) phối hợp với tập đoàn FPT, tổ chức Tresemi từ Thung lũng Silicon và tập đoàn Cadence, cùng sự hỗ trợ của các trường đại học trong lĩnh vực bán dẫn tổ chức.
Thiết kế vật lý là một khâu quan trọng trong quy trình thiết kế chip trước khi mang đi sản xuất. Theo ông Phil Hoàng, quản lý kỹ thuật cao cấp tại Skyworks Solutions và là sáng lập viên tổ chức Tresemi, học viên sẽ bắt đầu từ một thiết kế mức logic, sau đó trải qua học lý thuyết, thực hành.
Thông qua bài tập và dự án thực tế, học viên tạo ra thiết kế mạch tích hợp vật lý, cần đạt tất cả yêu cầu về tốc độ, tiêu thụ năng lượng và chi phí để sẵn sàng gửi đến nhà sản xuất, trước khi đóng gói, kiểm thử và đưa ra thị trường.
Dẫn chứng bằng hình ảnh một chip thật sự của học viên làm sau khóa học, ông Hoàng cho biết học viên đã có kỹ năng chuyên sâu, có thể tham gia công đoạn cuối cùng của quy trình thiết kế chip vi mạch bán dẫn.
"Tuy có những thử thách và nhiều yếu tố cần được cải tiến trong tương lai, chất lượng của chương trình đào tạo được đánh giá cao và có thể nhân rộng thời gian tới", ông nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, học viên tốt nghiệp chương trình đã có thể tham gia hoạt động tại doanh nghiệp. Thống kê của đơn vị tổ chức cho biết hiện có gần 20 học viên được nhận làm tại các tập đoàn lớn về thiết kế vi mạch như Marvell, Synopsys, FPT, Faraday, Samsung, trong đó có những người đang là sinh viên năm ba. Một số khác nhận học bổng để tiếp tục đào tạo tại nước ngoài.
Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, khóa học cũng đánh dấu bước đầu thành công của mô hình đào tạo kết hợp "3 Nhà", gồm Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.
Các bên dự tính tổ chức sáu khóa học mỗi năm, mỗi khóa đào tạo 90 học viên. "Nếu nhân rộng mô hình tại 10 cơ sở đào tạo và địa phương, mỗi năm sẽ có thể đào tạo hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch có chất lượng. Đến 2030, con số đạt được ít nhất là 25.000 kỹ sư", đại diện NIC đánh giá, nhận định mục tiêu đào tạo 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch trên tổng số 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 là "hoàn toàn khả thi".
Tại sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá việc NIC phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để xây dựng chương trình là bước tiến quan trọng trên hành trình làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành bán dẫn.
"Sự hợp tác giữa Chính phủ - Viện, Trường - Doanh nghiệp là đòn bẩy cho sự phát triển và đổi mới chưa từng có trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam", ông Dũng nói.
Theo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, việc hợp tác cùa trường với doanh nghiệp còn gặp một số trở ngại, như họ chủ yếu quan tâm đến tuyển dụng thay vì đồng hành cùng trường trong đào tạo. Đa số doanh nghiệp vi mạch ở Việt Nam làm về backend, ít nhu cầu hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) - vốn là thế mạnh của trường.
Ngoài ra, lực lượng nghiên cứu về vi mạch tại Việt Nam được đánh giá ít có khả năng thực chiến hay giải quyết được bài toán của doanh nghiệp. Nhiều trường thiếu công cụ thiết kế chuyên nghiệp, thiếu chính sách thu hút, hỗ trợ nhà khoa học, sinh viên tài năng. Các bên kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phát triển nguồn nhân lực bán dẫn để Việt Nam không bị lỡ thời cơ