Cụm từ "cá mập" biến thành "cá kho" được Shark Trần Anh Vương – vị cá mập đứng sau chương trình Thương hiệu bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) – dùng đầu tiên trên truyền hình, bắt nguồn từ bình luận của cộng đồng mạng khi nhìn nhận thương vụ ông đầu tư cho nữ Founder xinh đẹp Emwear trong mùa 1.
Khi ấy, cụm từ "cá mập biến thành cá kho" chỉ mang tính đùa vui sau một chương trình truyền hình, bởi theo cập nhật, Emwear sau khi được đầu tư từ các Shark đã cán mốc doanh thu 1 triệu USD.
Nhưng mới đây, Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CENGroup – đã chia sẻ một câu chuyện "cá mập biến thành cá kho" ngoài đời thực, câu chuyện từ chính trải nghiệm của ông sau lần rót vốn trên truyền hình.
Có startup coi nhà đầu tư như "cây xăng miễn phí"
Việc bắt đầu đầu tư và đồng hành cùng startup có rất nhiều rủi ro. Một trong số đó là startup và nhà đầu tư "chưa thực sự lên cùng một con thuyền".
"Các bạn nhìn nhà đầu tư như "cây xăng miễn phí", vô đổ rồi chạy tiếp, mà đổ lại không mất tiền. Các bạn cứ nghĩ tiền cho khởi nghiệp cũng giống như nhiên liệu cho xe, cứ hết lại đổ mà không biết đi đến đâu. Đấy là điều băn khoăn nhất với các bạn trẻ", Shark Hưng chia sẻ trên chương trình Nguy – Cơ do VnExpress tổ chức mới đây.
Vị cá mập này cho biết điều khiến ông buồn nhất với các startup là tính trung thực.
Thương vụ ấy, cuối cùng tôi bỏ ra toàn bộ, coi như toàn bộ là tiền của tôi, mà tôi chỉ nắm giữ 25% cổ phần
"Có một startup tôi cam kết đầu tư trên truyền hình, nhưng khi làm DD (Due Diligence – Thẩm định doanh nghiệp), mọi sự khác hoàn toàn những gì bạn nói trên truyền hình. Thậm chí, tôi còn nói: "Anh đã thích em rồi, anh chấp nhận ‘xóa cờ đánh lại’". Tôi bỏ hết báo cáo mà bạn nói rằng đã tích lũy được bao nhiêu tiền, góp được mấy tỷ đồng này, trong 2 năm qua đã thặng dư được vốn, lợi nhuận chưa phân bổ…, nhưng thẩm định thì không có gì, thậm chí còn rất nhiều nợ".
"Tôi thậm chí chấp nhận coi như startup trở về với mốc ban đầu. Tức, Founder xác lập đúng mức vốn cam kết góp ban đầu, lời lãi cũng bỏ ra, cho phép Founder rút ra tiêu, tôi không cần nữa, chỉ cần trả về đúng mốc 0 ban đầu", Shark Hưng kể.
Tuy nhiên, khi nhà đầu tư vào, vị cá mập này cho biết Founder lại đẩy toàn bộ chi phí trong quá khứ để rút nốt phần vốn điều lệ ban đầu.
"Tóm lại là cuối cùng tôi bỏ ra toàn bộ, coi như toàn bộ là tiền của tôi, mà tôi chỉ nắm giữ 25% cổ phần", Shark Hưng nhớ lại.
"Chưa hết, sau khi đã nhận đầu tư, đến nay đã được 2 năm thì liên tục báo lỗ, liên tục tăng các chi phí. Sau đó, đành chia tay nhau. Vấn đề ở đây là gì? Các bạn còn thiếu sự trung thực, thậm chí các bạn còn nghĩ rằng "À, Shark thì thiếu gì tiền? Đầu tư cho em mấy trăm ngàn USD, mấy tỷ cũng đâu có nhằm nhò gì mà tại sao có tí tiền Shark lại quan tâm sâu sắc thế"".
Bài học của cá mập
Dàn cá mập Shark Tank Việt Nam mùa 1.
Vị cá mập ngồi ghế nóng 3 mùa Shark Tank Việt Nam cho rằng tư duy nói trên là điều rất nguy hiểm, khi startup đẩy nhà đầu tư sang bên kia chiến tuyến để trở thành người các bạn phải đối phó, chứ không phải người cần đồng hành.
Các bạn thiếu sự trung thực, thậm chí còn nghĩ rằng "À, Shark thì thiếu gì tiền? Đầu tư cho em mấy trăm ngàn USD, mấy tỷ cũng đâu có nhằm nhò gì..."
"Đó là điều rất đáng tiếc và thực sự đáng buồn của các bạn startup", Shark Hưng nói.
Sau nhiều bài học, vị cá mập cho biết ông sẽ thay đổi cách tiếp cận đầu tư.
Về con người, ông sẽ tìm những người mà họ thực sự thấy giá trị tham gia của nhà đầu tư.
Về tiền đầu tư, ông cho biết gần đây ông có xu hướng giảm bớt tiền đầu tư, và tăng giá trị cam kết của ông cũng như của startup nhiều hơn.
Về giải ngân, ông sẽ giải ngân thông minh hơn. Thay vì giải ngân theo cách đưa thẳng tiền cho các bạn startup, ông sẽ giải ngân cho nền tảng xung quanh startup được nhận đầu tư để các bạn phát triển.
"Bạn bảo cần tiền để thuê văn phòng thì tôi sẽ cung cấp cho các bạn văn phòng, thay vì đưa tiền cho các bạn. Nói cách khác, thay vì đưa con cá thì tôi dạy các bạn đi câu. Các bạn cần tiền mua nguyên liệu thì tôi mua nguyên liệu cho các bạn. Chắc chắn tôi đàm phán được giá tốt hơn các bạn", ông nói.