Nếu dõi theo từng bước phát triển của BOO, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy, từ những ngày đầu thành lập vào năm 2009, ở Việt Nam gần như ít ai quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thì các hoạt động của doanh nghiệp này đã luôn gắn với các tiêu chí "xanh", trong nỗ lực "xanh hoá" ngành thời trang: từ những dự án cộng đồng lớn như Tắt đèn bật ý tưởng hưởng ứng Giờ Trái đất, thu gom quần áo cũ, thu gom tem mác để tái sử dụng…; cho đến khâu sản xuất, sử dụng chất liệu thân thiện môi trường hay… ăn chay tập thể vào thứ 6 hàng tuần.
Đến nay, tầm nhìn của BOO đã được chứng minh khi các vấn đề về môi trường ngày càng trở nên nguy cấp trên toàn cầu. Đặc biệt là ngành thời trang - luôn trong top các lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất. Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và chiếm từ 8 - 10% lượng khí carbon phát thải, nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại.
Những điều đó càng khiến anh Việt Anh và BOO thêm kiên định với con đường mà mình đã chọn. BOO được thiết kế riêng một bộ phận gọi là BOOVironment - chuyên trách các dự án về môi trường. Và hàng ngày, họ vẫn cùng nhau nỗ lực "xanh" hoá trong mọi khâu vận hành, từ những việc nhỏ nhất… nhằm hướng tới mục tiêu kinh doanh thời trang bền vững và lan toả tinh thần bảo vệ môi trường.
* Thời trang có phải là thị trường mãi xanh – luôn có dư địa phát triển cho những thương hiệu mới?
- Trong thời kỳ ngành bán lẻ ở Việt Nam đang có đà tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, tôi nghĩ ngành nào cũng có chỗ của nó, đặc biệt nhiều cơ hội dành cho các doanh nghiệp trẻ bắt đầu kinh doanh.
* Có nhận định cho rằng "Bán gì không quan trọng, quan trọng là bán như thế nào", anh nghĩ sao?
- Tôi là người coi trọng sản phẩm, sản phẩm là trên hết. Nên đối với tôi việc bán gì rất quan trọng. Sản phẩm luôn là cốt lõi để một thương hiệu phát triển lâu dài. Có sản phẩm tốt, con đường để bạn đưa sản phẩm tới cho khách hàng cũng dễ dàng hơn.
* Khi kinh doanh thời trang, có khi nào cái tôi của người sáng tạo và xu hướng thị trường mâu thuẫn với nhau? Nếu có, anh làm thế nào để cân bằng?
- Trường hợp này tôi đã gặp rất nhiều, nhất là với team sáng tạo của Boo. Là người đứng đầu, tôi phải đứng từ khía cạnh của khách hàng và thuyết phục để cái tôi của các bạn sáng tạo giảm đi; sao cho cân bằng với nhu cầu của khách hàng. Đối với tôi, đó là điểm quan trọng để đưa được cả yếu tố thời trang và yếu tố kinh doanh vào sản phẩm một cách tốt nhất.
* Một thương hiệu thời trang cần phải chuẩn bị những gì trước khi phát triển thành chuỗi?
- Một thương hiệu thời trang cần chuẩn bị tốt 3 điều để có thể phát triển chuỗi: Một là đội ngũ tốt; hai là thấu hiểu ngành bán lẻ chuỗi hoạt động như thế nào và ba là về vận hành. Bạn phải cực kỳ am hiểu vận hành, cần có quy trình và tiêu chuẩn tốt thì mới có thể nhân được thành chuỗi.
* Những yếu tố nào làm nên sự thành công của việc kinh doanh chuỗi thời trang nhượng quyền? Anh làm thế nào để giữ vững và đồng bộ chất lượng dịch vụ tại mỗi điểm bán?
- BOO cũng từng là một đơn vị nhượng quyền của Adidas Neo. Do vậy, chúng tôi hiểu rõ cách vận hành của việc nhượng quyền. Ngoài những yếu tố về đội ngũ, am hiểu bán lẻ thời trang và vận hành mà tôi đã nói để đảm bảo tiêu chuẩn của nhãn hàng, điều quan trọng nữa là phải hiểu được khách hàng. Nếu không hiểu được khách hàng thì khó kinh doanh được bất cứ cái gì, chứ không chỉ là nhượng quyền. Sau đó đưa ra guideline, tiêu chuẩn vận hành cho mọi thứ.
Muốn giữ được sự đồng đều, như với BOO là 40 cửa hàng trên toàn quốc thì toàn đội ngũ cần liên tục để ý từng chi tiết một. Câu "Retail is Detail" là rất đúng, phải thực sự đi vào từng chi tiết trong vận hành.
* Người ta thường chia sẻ về nhiều cạm bẫy nhượng quyền trong ngành F&B, khiến nhiều thương hiệu như trà chanh, trà sữa… sớm nở tối tàn. Vậy với chuỗi nhượng quyền thời trang có cạm bẫy nào không? Làm thế nào để cả bên nhượng và bên nhận tránh được những cạm bẫy này?
- Tôi cho rằng bất cứ ngành nghề nào đều có cạm bẫy riêng của nó. Tôi để ý khá nhiều những thương hiệu mọc lên nhanh rồi lụi tàn nhanh đều có điểm chung: chỉ nhìn vào cơ hội trước mắt chứ ít khi nhìn vào rủi ro. Ví dụ điển hình là mô hình trà sữa hay trà chanh. Nhiều người ra đường thấy tiệm trà đông khách thì muốn kinh doanh, nhưng không tự hỏi rằng: Liệu có duy trì được lượng khách này lâu không? Sản phẩm này có dễ để người khác copy không?
Để tránh được cạm bẫy, bạn cần phải tìm ra điểm khác biệt cho thương hiệu của mình. Điểm này sẽ là thế mạnh cạnh tranh, giúp thương hiệu phát triển lâu dài và bền vững hơn.
* Trong những năm gần đây, hàng loạt thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng trên thế giới đã đổ bộ vào nước ta và nhanh chóng gây sốt. Vậy theo anh, làm thế nào để thương hiệu Việt thành công và có đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế trên sân nhà?
- Ngay từ những ngày đầu thành lập, BOO đã luôn lấy những yếu tố, tinh thần đặc trưng của Việt Nam đưa vào các sản phẩm. Nên khi các thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam, những yếu tố bản địa này lại càng trở nên độc đáo, được mọi người biết và thấu hiểu hơn, lấy đó làm điểm khác biệt so với các thương hiệu quốc tế, điểm mạnh cạnh tranh trên sân nhà. "Local" là một từ khoá quan trọng và chắc chắn những thương hiệu Việt sẽ làm điều đó tốt hơn hầu hết các thương hiệu quốc tế.
Ngoài ra, tôi nghĩ thời trang và nhu cầu khách hàng luôn thay đổi nên các thương hiệu phải cập nhật các xu hướng mới nhất trong bán lẻ một cách thường xuyên. Điều đó rất quan trọng trong kinh doanh. Không thay đổi thì bạn có thể chết!
* Thời trang "xanh" mới trở thành xu hướng trong vài năm gần đây, nhưng anh cùng doanh nghiệp của mình đã theo đuổi định hướng này từ những ngày đầu thành lập. Vậy với anh, thế nào là thời trang xanh?
- Thời trang xanh có thể được nhìn từ nhiều khía cạnh. Tôi hiểu đơn giản rằng thời trang xanh là làm thế nào để chúng ta giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành thời trang hoặc thương hiệu của mình tới môi trường.
Có thể bạn chưa biết, ngành thời trang là ngành đứng thứ 2 trong số các ngành gây hại tới môi trường. Boo đã "xanh" hoá vận hành của mình trong từng hoạt động: Xây dựng chuỗi điểm đến xanh tại cửa hàng, thu gom quần áo cũ của khách, thu gom vỏ hộp sữa và pin. Trong khâu bán hàng, nếu khách không sử dụng túi nilon, BOO sẽ trích 10k/hoá đơn gây quỹ bảo vệ động vật hoang dã và trồng rừng … Ngoài ra, trong sản xuất, BOO sử dụng chất liệu Organic Cotton và Cotton USA, chúng bền vững, ít hoá chất, an toàn cho người lao động và giảm thải CO2; dùng mực in gốc nước thân thiện với môi trường…
* Còn trong đời sống cá nhân thì sao, anh có phải là một người sống xanh?
- Bản thân tôi luôn nghĩ làm thế nào để giảm tác động của mình tới môi trường từ những hành động nhỏ nhất, như hạn chế đồ dùng một lần, túi nilon hay thậm chí đôi khi hạn chế sử dụng thang máy, tắt đèn khi ra khỏi phòng… Tôi đang đóng góp từ những điều nhỏ nhặt nhất như vậy để làm cho mọi thứ xanh hơn. Tôi tin rằng từ những hành động nhỏ nhặt, được làm kiên trì và nhân rộng thì sẽ tạo ra được sự thay đổi lớn hơn. Mỗi người đều có thể sống xanh theo cách của mình.
* Khách hàng của anh có mức độ đón nhận thế nào về những định hướng xanh này?
- Tôi quan tâm và làm về lĩnh vực liên quan tới "xanh" và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường từ lâu rồi, hơn 10 năm nay. Tôi nhận thấy các thế hệ trẻ ngày càng quan tâm đến môi trường, nhất là gen Z. Nếu trước đây sự quan tâm của các bạn chỉ dừng lại ở mức độ về mặt thông tin, thì hiện các bạn quan tâm sâu hơn, rộng hơn, len lỏi đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống, chứ không đơn giản chỉ là vứt rác vào thùng như trước đây.
* Liệu nhận thức của giới trẻ đã đủ để họ đưa "xanh" làm một tiêu chí khi lựa chọn thương hiệu thời trang?
- Tôi tin là ngày càng nhiều các bạn quan tâm đến các tiêu chí xanh hơn, trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa, khi giới trẻ thích nghi rất nhanh với các xu hướng và thông tin trên toàn cầu. Tôi đã cảm nhận được điều đó với những khách hàng của BOO rồi. Tôi tin rằng đây sẽ là một xu hướng cực kỳ lớn trong tương lai gần.
* Nhiều doanh chủ lo ngại việc theo đuổi các mục tiêu về môi trường sẽ khiến các loại chi phí tăng cao, anh nói sao về điều này?
- Thực ra, tôi nghĩ rằng việc này phụ thuộc vào quan điểm kinh doanh của mỗi người. Tôi thích nhìn vào giá trị lâu dài cho tương lai nhiều hơn là các lợi ích trước mắt. Có thể có người sẽ nghĩ ngược lại. Tuy nhiên, khi kiên định xây dựng giá trị tương lai, đến một ngày nào đó, xu hướng bảo vệ môi trường trở nên phổ biến hơn thì khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn thương hiệu của mình. Đến khi đó, giá trị thương hiệu được tích luỹ được trong thời gian dài sẽ lớn hơn rất nhiều so với những chi phí cắt được trước mắt. Giá trị đó không thể mua được dù có rất nhiều tiền! Mà phương án nào dài hơi hơn thì luôn tốt hơn!
* Anh có lời khuyên gì dành cho những bạn trẻ cùng có đam mê kinh doanh thời trang?
- Các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn mở thương hiệu của mình thì việc đầu tiên là cần lượng được sức của mình, hiểu được hoàn cảnh của mình có thể làm được tới đâu. Sau đó là trang bị những kiến thức chuyên môn, đủ để có thể đảm bảo những thứ cơ bản nhất. Đây là điều quan trọng trước khi bắt đầu bất cứ một công việc kinh doanh nào. Bạn cần có trách nhiệm với nó và chính tiền bạc mình đầu tư vào. Nếu không, bạn sẽ tốn nhiều khoản phí của chính mình và của cả những người xung quanh một cách vô ích. Cẩn trọng và tìm hiểu kỹ sẽ giúp các bạn có nền tảng tốt.
Tôi cũng muốn khuyến khích các bạn trẻ thử sức, không thành công thì có thể làm lại nhưng phải trong mức độ hoàn cảnh của bạn cho phép.
Bài: Diệu Anh
Thiết kế: Hùng Nam
Ảnh và video: Kingpro