Cách đây vài năm, trong một lần về cố hương, Kevin Phạm cảm thấy thị trường khởi nghiệp của Việt Nam rất sôi động và trông đầy tiềm năng. Là một doanh nhân chuyên nghiệp - khi đã có vài công ty hoạt động trong lĩnh vực giải pháp hạ tầng đô thị tại New York City, chàng trai 8x thấy mùi của ‘cơ hội lớn’ ở thị trường mới nổi này. Vậy nên, Kevin Phạm đã quyết định sẽ làm một cái gì đó thật đặc biệt ở ‘quê cha đất tổ’.
Sau nhiều tháng tìm hiểu và nghiên cứu thị trường Việt Nam, cuối cùng Kevin chọn mảng giải trí để thử sức. Mặc dù tại thị trường Việt Nam, mảng giải trí số hiện đang có rất nhiều startup ‘tham chiến’, nhưng theo quan sát của anh, hiện không có doanh nghiệp nào mang lại được sản phẩm - mà khi người dùng vào sử dụng cảm thấy ‘Wow’. Thế nên, thị trường giải trí số Việt Nam, vừa thừa lại vừa thiếu.
"Tôi muốn tất cả người dùng tại Việt Nam, khi vào giải trí ở WEALLNET sẽ cảm thấy ‘sướng’ và ở lại càng lâu càng tốt. Đó là lý do vì sao tôi không vội vàng ra mắt sản phẩm dù đã xây dựng và phát triển nền tảng trong suốt 3 năm vừa qua.
Phương cách làm nhanh – sai nhanh – sửa nhanh – thành công nhanh trong giới startup được nhiều founder lựa chọn; nhưng đó không phải là phong cách của tôi. Tôi muốn phải có một sản phẩm thật sự hoàn chỉnh khi mới ra mắt thị trường. Tôi muốn phải ngay lập tức đưa cho người dùng của mình thứ tốt nhất thị trường, chứ không phải sau 2 đến 3 năm.
Hiện tại, WEALLNET đang ở trong giai đoạn gần như hoàn tất và chúng tôi đang trong quá trình làm việc với rất nhiều đối tác để có một kho nội dung phong phú, có thể phục vụ tất cả các đối tượng khách hàng, vào thời điểm ra mắt thị trường trong năm 2021. Hiện tại, dù chưa làm marketing – PR rầm rộ, song app đã có khoảng gần 10.000 người dùng", Kevin Phạm chia sẻ với chúng tôi.
Vậy WEALLNET đang có những gì khiến founder 8x này tự tin như thế?
Giải quyết "nỗi đau" phải dùng quá nhiều app
Chức năng xem phim cùng bạn -WATCH WITH FRIEND
Xuất phát từ nhu cầu thật sự của bản thân và thị trường, khi trong smartphone của mỗi người phải tải quá nhiều app để phục vụ các nhu cầu hằng ngày: Facebook để tám chuyện, Tiki để mua hàng, Spotify để nghe nhạc, Cafebiz để đọc tin tức…Việc phải sử dụng quá nhiều app, ngoài khiến smartphone hết dung lượng và trông rối mắt còn khiến trải nghiệm của chúng ta không xuyên suốt, khi phải ra khỏi app này để vào app kia tiếp tục thao tác.
Theo Kevin Phạm, WEALLNET ra đời chính để giải quyết ‘nỗi đau’ nói trên của người dùng hiện đại. Với WEALLNET, chúng ta vừa có thể nghe nhạc, xem phim chung cùng bạn, coi show tạp kỹ, đọc tin tức, chat chit với bạn bè và trong tương lai, còn có thể mua hàng trên nền tảng này. Anh kỳ vọng sẽ tạo ra một ứng dụng tiện ích, đáp ứng đầy đủ nhu cầu giải trí – mua sắm và tương tác hằng ngày của người dùng.
Dù tích hợp khá nhiều dịch vụ, song giao diện của WEALLNET vẫn khá đơn giản, dễ thao tác – thân thiện với người dùng. Do hầu hết nội dung số - nhất là ảnh và clip được tải lên nền tảng đều đến từ các đối tác sản xuất nội dung số lớn.
Tính năng kéo – thả cũng là điểm nhấn nổi bật của WEALLNET. Tính năng này cho phép người dùng tự do kéo khung chat sang màn hình xem phim, đọc báo lẫn mua sắm trên ứng dụng. Cụ thể, chúng ta vừa có thể vừa xem phim vừa nhắn tin với bạn bè mà không bị cảm giác khó chịu vì màn hình bị chia đôi như các tính năng màn hình đa nhiệm của các dòng điện thoại hiện tại đang cung cấp.
Một trong những trải nghiệm người dùng mà Kevin Phạm cảm thấy vô cùng tự hào: đó chính là phần WATCH WITH FRIEND – xem phim cùng bạn bè và có thể xử lý thao tác khác trên app khi cần thiết. Hơn nữa, người dùng có thể chọn những cái kết mà mình thích nhất được nhà sản xuất đưa ra, ví dụ: kết mở - kết có hậu - kết theo nguyên tác - kết theo nhà sản xuất...
Phần "Recommendation" - bao gồm những clip và tin tức có nội dung liên quan mà chúng ta đang xem cũng là một niềm tự hào khác của đội ngũ WEALLNET.
Với WEALLNET, phần recommend liên quan đến chủ thể mà chúng ta đang đọc sẽ được thể hiện qua clip, tin tức, gameshow, phim ảnh, ca nhạc…Tức chúng ta sẽ được một góc nhìn 360 độ về một vấn đề hoặc hiểu tất tần tật về một nhân vật mà chúng ta muốn tìm hiểu. Như thế, trải nghiệm giải trí hoặc học tập của chúng ta sẽ toàn diện - xuyên suốt và không cần phải vào Google tìm kiếm nữa.
Ngoài ra, trong suốt thời gian vừa qua, đội ngũ 13 nhân sự của WEALLNET đã không ngừng cải tiến trải nghiệm người dùng từ những phản hồi của các người dùng đang thử trải nghiệm nền tảng.
Đội ngũ WAELLNET
Kho nội dung chính thống
Hiện tại, kho nội dung của WEALLNET vẫn còn khá đơn điệu vì họ chỉ mới có một số đối tác, với vài cái tên tên nổi bật như Techcombank Securities, VnExpress, Yan Digital, Sóng Vàng, Bến Thành Audio – Video… Tuy nhiên, theo tiết lộ của Kevin, điều đó sẽ nhanh chóng thay đổi trong tương lai. Hiện startup này vẫn đang trong quá trình thương thảo với các đối tác truyền thông – giải trí tại Việt Nam
"Mặc dù WEALLNET là một startup còn khá non trẻ, song chúng tôi không gặp nhiều khó khăn khi gặp và thuyết phục các đối tác trong ngành truyền thông – giải trí hợp tác với mình, vì đây là sự hợp tác hai bên cùng có lợi. Trong thời gian đầu, họ có thêm kênh để quảng bá nội dung của mình, trong khi WEALLNET có nhiều nội dung chất lượng phục vụ cho người dùng. Tương lai, doanh thu mà chúng tôi có thể mang về sẽ được cùng chia sẻ cùng nhau", Kevin bày tỏ.
Do WEALLNET không đặt ra tệp khách hàng mục tiêu cụ thể - bởi startup này tự tin có thể chinh phục được tất cả thế hệ người dùng theo giai đoạn, nên họ sẵn sàng hợp tác với tất cả các đối tác lớn nhỏ. Kevin nói rằng, anh không sợ người dùng của mình ‘bội thực’ nội dung hoặc thông tin, vì theo thời gian, những gì hay nhất – tốt nhất sẽ được thể hiện nổi bật ở phía trên còn những nội dung – thông tin không tốt hoặc không hay sẽ lặn xuống và từ từ bị đào thải.
Hơn nữa, WEALLNET sẽ không có những gánh nặng hoặc rủi ro xấu vì không duyệt kỹ được nội dung như TikTok hoặc Youtube hay Facebook, bởi người dùng của nền tảng này không được phép tải nội dung riêng của họ lên app. Trong khi, các sản phẩm – nội dung mà các đối tác/doanh nghiệp của WEALLNET sản xuất hoặc phân phối, đã có giấy phép thì mới có thể xuất hiện trên thị trường. Nguồn nội dung chính thống này cũng giúp WEALLNET không gặp phải vấn đề tin giả đang lan tràn trên các mạng xã hội trong thời gian gần đây.
Tất nhiên, chỉ khi Kevin cảm thấy kho nội dung của WEALLNET đã rất phong phú, đủ để khiến người dùng ‘say mê’, anh mới cho ra mắt sản phẩm.
Sẽ triển khai ở thị trường Mỹ sau khi hết Covid-19
Một trong những nguyên do quan trọng khác khiến WEALLNET đi khá chậm so với các startup công nghệ nói chung, là bởi Kevin quyết định sẽ xây dựng song song cùng lúc 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Mục tiêu chính là để ra mắt thị trường Mỹ sau khi đáp ứng được thị phần mong muốn ở Việt Nam.
Website và app của WEALLNET đã có tiếng Anh.
"Mặc dù Mỹ có thị trường khởi nghiệp khá trưởng thành, nhưng sau rất nhiều năm sinh sống tại đây – nhất là ở khu vực New York, tôi vẫn chưa thấy có một nền tảng nào về giải trí – mua sắm tương tự như WEALLNET. Thế nên, mặc dù WEALLNET được thai nghén hoàn toàn tại Việt Nam và được thiết kế - sáng tạo bởi người Việt, song nó vẫn có thể gây được tiếng vang khi xuất hiện trên thị trường Mỹ", Kevin Phạm nêu quan điểm.
Khi được hỏi về những kế hoạch sau khi triển khai cả thương mại điện tử và nguồn doanh thu trong tương lai; Kevin nói rằng đó là "bí mật", "nói ra trước mất hay". Tuy nhiên, chắc chắn một điều là WEALLNET sẽ không thu phí của người dùng mãi mãi.
Còn theo suy đoán của chúng tôi, doanh thu sau này của WEALLNET sẽ đến từ việc hưởng hoa hồng từ việc kết nối với các đối tác để bán hàng trên nền tảng này. Tương lai xa hơn, doanh thu có thể đến từ lĩnh vực tài chính fintech, như tích hợp thêm một ví điện tử hoặc ngân hàng số. Nội dung số chất lượng cao miễn phí hay những trải nghiệm người dùng khác biệt chính là phương tiện để họ thu hút được nhiều người dùng hơn các đối thủ khác. Khi có lượng người dùng lớn – data nhiều, việc kiếm tiền sẽ không còn khó khăn nữa.
Có thể nói, trên thị trường startup Việt Nam, hiếm có startup kiên nhẫn và ‘cố chấp’ với sự hoàn hảo như WEALLNET. Nên rất khó để dự đoán xem họ sẽ được thị trường đón nhận như thế nào.
Một dự án khởi nghiệp công nghệ bình thường hay diễn ra như sau: các startup định vị rõ ràng tệp khách hàng cụ thể mà mình cần chinh phục, sau đó làm nhanh, ra thị trường nhanh. Tiếp theo, họ sẽ "điên cuồng" sửa chữa và cải tiến theo phản hồi của thị trường và người dùng. Sau vài năm, nếu vẫn còn sống và có sự hiện diện trên khắp Việt Nam, họ sẽ nghĩ đến việc chinh phục toàn bộ khách hàng – từ già đến trẻ, sau đó mới bắt đầu xây dựng trang tiếng Anh để scale-up ra thị trường nước ngoài.
Ngược lại, WEALLNET âm thầm đóng cửa trong suốt 3 năm vừa qua, để thực hiện tất cả những chiến lược nói trên. Theo đó, đến khi ra mắt, họ có thể nhanh chóng lan toả trên thị trường mà không cần phải dừng lại chỉnh sửa quá nhiều. Tuy nhiên, phải thật tự tin vào bản thân hay dự án của mình, một founder mới dám làm như vậy! Bởi nếu thất bại, founder sẽ mất rất nhiều – cả tiền bạc lẫn thời gian, hơn cách làm thông thường 10 lần.