ByteDance - công ty sở hữu Tik Tok đã sở hữu tới 1 tỷ lượt download, trở thành startup kỳ lân, được định giá cao hơn cả Uber. Góp mặt tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2019), đại diện Tik Tok tại Việt Nam - ông Nguyễn Lâm Thanh đã chia sẻ 2 kinh nghiệm khởi nghiệp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
"Thực ra, cái đầu tiên mình nghĩ thường sẽ là đúng nhất, nhưng trong quá trình làm mình đi tư vấn, và được nhiều người tư vấn quá nên cuối cùng đi lệch mất. Đây là điểm rất quan trọng khi startup ở Việt Nam", ông Thanh - là một trong những người đầu tiên chấp bút cho Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (gọi tắt là đề án 844) - chia sẻ.
Điểm quan trọng thứ 2, theo đại diện Tik Tok, là startup thường mất tập trung khi theo đuổi nhiều mục tiêu.
Sai lầm của startup là dễ dàng nhìn ra cơ hội, cho nên dễ phân tán với những gì mình đang tập trung
"Nguồn lực hữu hạn, không nên có quá nhiều mục tiêu".
"Với thành công của những kỳ lân như Grab, Tik Tok, điều quan trọng là rất TẬP TRUNG. Mọi người sẽ thấy ứng dụng đến giờ vẫn giữ được bản chất, không bị lệch và không có quá nhiều mục tiêu trong sản phẩm ấy", ông Thanh nói.
Phát biểu của ông Thanh cũng nhận được sự đồng tình từ điều phối viên toạ đàm - ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM).
Ông Tuyến cho rằng một trong những sai lầm của startup là dễ dàng nhìn ra cơ hội, cho nên dễ phân tán với những gì mình đang tập trung.
"Quan điểm đa ngành đa nghề không sai nhưng làm cái gì phải làm triệt để. Lĩnh vực kinh doanh đầu tiên, một là làm thành công hẳn, sau đó tạo ra thặng dư vốn để làm cái khác. Hai là dẹp hẳn đi chuyển sang làm cái khác".
"Chứ làm cái gì cũng dở dang, chưa triệt để, tức là còn chưa có số có má, thậm chí chưa là số 1 trên thị trường đã làm cái khác sẽ khó có cơ hội thành công. Nếu làm được cũng chỉ ở quy mô vừa vừa, không thể hiện được đam mê, hay làm cho đến nơi đến chốn", ông Tuyến nhìn nhận.