01
Khi tôi nói tôi sẽ sống tối giản với tinh thần Danshari, vợ tôi đã phá lên cười. Cô ấy không tin rằng, một người trọng tiểu tiết, thích những thứ phù phiếm lại có suy nghĩ đó. Nhưng thấy gương mặt nghiêm túc của tôi, cô ấy từ ngạc nhiên dần chuyển sang lo lắng. Bởi, vợ tôi cũng không phải người phụ nữ đơn giản. Cô ấy là một tín đồ mua sắm, có hẳn một phòng thay đồ riêng với 4 tủ quần áo, một tủ giày cỡ bự... cùng rườm rà phụ kiện. Chưa kể, khi chúng tôi không chỉ sống có 2 người lớn với nhau thì có lẽ dễ dàng hơn, đằng này còn một "cái đuôi" 4 tuổi với đống đồ chơi lộn xộn, bày bừa khắp nhà..., thì việc giải phóng đồ đạc trong nhà là điều bất khả thi.
Xuất phát chỉ từ việc tôi ngồi bần thần trước một cuốn tạp chí, nói về tinh thần Danshari của người Nhật. Nhìn căn phòng trống rỗng gần như không có đồ đạc ấy, tôi bị rơi tõm vào khoảng không, và bất giác lâu sau nhìn lại căn phòng ngộp thở của gia đình mình, tôi bèn tha thiết muốn thay đổi. Để chắc chắn rằng quyết định này không đến trong một phút bốc đồng, tôi đã nhẫn nại chờ đợi 1 tuần nữa, tìm câu trả lời suy nghĩ kia có có tiêu tan không. Nhưng hóa ra, thời gian chờ đợi chỉ càng khiến tôi chắc chắn một điều: Tôi muốn giảm thói quen vật chất. Tôi muốn giải phóng cho chính bản thân và gia đình mình.
Vợ tôi thực sự lo lắng. Cô ấy liên tục hỏi tôi có ổn không, sức khỏe tinh thần có gặp biến cố gì lớn mà giấu cô ấy không, công việc ở nhiệm sở thế nào... Tôi đã mất hàng giờ đồng hồ, nói với cô ấy về tinh thần Danshari. Về ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Rằng Dashanri bắt đầu được nói nhiều đến vào khoảng năm 2010-2011 ở Nhật, đặc biệt sau khi thảm hoạ động đất sóng thần đột ngột cướp đi hàng ngàn sinh mạng, khiến nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống.
Tinh thần của Danshari gói gọn trong chính 3 từ viết tắt tạo thành cái tên của lối sống này:
Dan – nghĩa là từ chối (đem về nhà những vật dụng không cần thiết),
Sha – nghĩa là vứt bỏ (những thứ lỉnh kỉnh vướng víu trong nhà)
Ri – là tránh xa (cám dỗ mua sắm vật chất).
Không chỉ là câu chuyện mua sắm, Danshari chính là cách giải thoát những áp lực vô hình của cuộc sống vật chất hiện đại lên tinh thần và sức sáng tạo của con người. Danshari, nói khác đi, là cách nói không với sự sùng bái vật chất thái quá đến mức bỏ qua các giá trị sống bền vững.
Sau nhiều ngày đấu tranh tinh thần, vợ tôi quyết định tin tưởng và nghe theo tôi. Kết quả thật bất ngờ, gia đình tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc hơn nhờ Danshari. Chính vợ tôi, từ việc gần như suy sụp khi nghĩ tới việc giảm tải đồ đạc... lại quay sang trách tôi rằng "tại sao anh không thực thi ý tưởng này sớm hơn", và cô ấy vô cùng hài lòng với hiện tại.
Tôi chỉ muốn khẳng định lại một lần nữa, tôi năm nay 39 tuổi, vợ tôi 35 tuổi và chúng tôi có một người con gái 4 tuổi, sống trong căn hộ chừng 60m2: Hoàn toàn có thể sống tối giản theo phong cách Danshari.
02
Tinh thần chính của lối sống này không sùng bái của cải, vật chất. Nói vậy không phải là chúng tôi không tôn trọng đồ vật, sẵn sàng vứt bỏ những thứ không cần thiết để nhà cửa gọn gàng hơn, mà chúng tôi muốn sống giản tiện, tập trung vào những ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Thú thật, để có được suy nghĩ đó, chúng tôi phải đấu tranh tư tưởng khá nhiều. Bắt nguồn từ tâm lý "Tiếc của". Quần áo, giày dép, vật dụng trong nhà... chẳng phải là tài sản cả ư? Tốn bao nhiêu tiền để mua chúng, giờ lại cho, biếu, tặng, trao đổi... Nhất là phải ly biệt biết bao chiếc váy xúng xính, đôi giày thời thượng..., vợ tôi xót xa lắm. Vợ tôi cũng "liều" theo tôi.
Đến hiện tại, tôi chỉ có hai cặp quần âu, bốn cái áo sơ mi và bốn cái áo phông, năm cặp đồ lót và bốn cặp vớ trong tủ quần áo. Con gái có hai bộ đồng phục trên treo giá và hai ngăn kéo nhỏ cho quần áo thường xuyên của cô bé. Vợ tôi nói rằng cô ấy không phải là người theo chủ nghĩa tối giản nên cô có có năm ngăn kéo cho tất cả quần áo, mùa đông và mùa hè (thay vì 4 tủ quần áo kếch xù như trước).
Khi con tôi muốn chơi đồ chơi, con sẽ không đi đến phòng chơi và cũng chẳng cần góc chơi nào trong căn hộ. Thay vào đó, bé nhận được một chiếc giỏ nhỏ chứa tất cả tài sản quý báu nhất của mình – một con búp bê, một con Minions với một số xe hơi đồ chơi, một đồ chơi yoyo… và chơi ngay trên sàn gỗ trắng sạch sẽ trong căn hộ của mình.
Căn hộ gần như trống rỗng, không có gì trên quầy bếp. Trong ngăn kéo chỉ có ba bộ bát đũa, dăm chiếc đĩa, hai bộ dao kéo của trẻ em, xoong nồi cơ bản nhất có thể.
Sau khi dọn sạch xong căn nhà bừa bộn, tôi làm cho vợ mình một tách cà phê. Cô ấy ngồi trong căn phòng trống rỗng, uống nó và nói rằng cà phê rất ngon, đó là lúc tôi nhận ra rằng cà phê ngon hơn khi không gian và tâm trí của chúng tôi cùng thoáng đãng.
Lối sống này đã thay đổi cách sống của chúng tôi, giờ đây gia đình tôi có nhiều thời gian để đi chơi hơn. Cô con gái của tôi hiện cũng là thế hệ Danshari đời thứ hai một cách rất tự nhiên. Khi con bé lớn hơn, tất nhiên bé muốn mua đồ chơi, nhưng khi mua hàng, chúng tôi sẽ chỉ mua những thứ nhỏ đựng vừa trong giỏ của con bé.
Từ khi theo chủ nghĩa tối giản, chúng tôi đã cho đi rất nhiều thứ, và tôi thực sự thích cảm giác giải phóng mà tôi nhận được từ việc có ít đồ đạc. Thay vì phiền hà khi mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc nhà cửa, lau dọn đồ đạc, mua sắm..., giờ đây gia đình tôi đã có nhiều thời gian hơn cho những việc ý nghĩa.
(Ảnh minh họa)
03
Lối sống này chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Một vài người bạn tới thăm nhà vợ chồng tôi tỏ ra bất ngờ và họ thẳng thắn chỉ trích chúng tôi sống quá cực đoan. Họ thừa nhận quá mệt mỏi với việc nhà dồn đống hàng ngày nhưng cho rằng lối sống tiện nghi, đầy đủ vật chất hạnh phúc hơn lối sống tối giản này.
Chúng ta thường nghĩ rằng mình càng có nhiều thứ trong tay, mình sẽ càng hạnh phúc. Chúng ta cố gắng tích cóp nhiều nhất có thể vì không biết tương lai sẽ ra sao. Điều này có nghĩa chúng ta cần nhiều tiền, và chúng ta bắt đầu nhận định về người khác dựa trên tiềm lực kinh tế của họ. Chúng ta tin rằng phải kiếm được nhiều tiền để cảm thấy mình thành công.
Tôi đoán rằng rất nhiều gia đình giống như bạn của tôi, mua rất nhiều đồ và về chỉ sử dụng chúng một, hai lần. thậm chí có những món đồ chưa từng được dùng tới. Mua về, và bỏ xó... đến mức quên mất sự tồn tại của chúng. Đó chẳng phải là lãng phí hay sao? Thi thoảng, bạn dọn dẹp nhà cửa, và thấy trong nhà rất nhiều vật dụng dư thừa không dùng tới. Bạn muốn bỏ đi, muốn cho, hoặc gửi đi đâu đó... nhưng rồi bạn chần chừ, bạn tiếc và bạn lại cất giữ chúng trong nhà, ở một góc mà bạn sẽ chỉ sờ tới nó trong lần dọn nhà kế tiếp. Bạn có biết, bạn tốn quá nhiều thời gian, suy nghĩ... cho một món đồ không hữu ích không?
Vợ chồng tôi sống theo phong cách Danshari, "dũng cảm" chia tay với rất nhiều đồ đạc mà chúng tôi từng mua sắm, tích lũy qua nhiều năm. Giờ đây, chúng tôi sống mỗi ngày đều cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc. Tôi cảm thấy hài lòng hơn trước rất nhiều.
Điều ấy có nghĩa, Danshari chính là biểu hiện cao hơn của việc trân quý đồ vật và vật chất phục vụ cuộc sống. Bởi khi bạn từ chối mua những thứ mình không thật sự cần, nghĩa là bạn sẽ không có cơ hội biến chúng trở thành thừa thãi và bị bỏ xó (thậm chí từ chối cả những mặt hàng miễn phí nếu mình không thật sự cần đến), đó chẳng phải là cách tôn trọng đồ vật và muốn chúng có ích hơn hay sao?
Sở hữu ít hơn giống như một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa tôn sùng vật chất và sự dư thừa. Đối với gia đình tôi, ít thực sự là nhiều hơn!
Nếu bạn đang cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống hiện đại, của vòng quay đều đặn của công sở và việc nhà, hãy thử tối giản hóa cuộc sống và nhu cầu của bản thân. Tối giản chính là xả bỏ, xả bỏ để tự do và thanh thản hơn, để tập trung hơn vào những điều ý nghĩa của cuộc sống. Ví như vợ chồng tôi, thời gian uống một tách cà phê, cùng ngắm nhìn con chơi đồ hàng ở góc nhà... trong một ngôi nhà rộng thênh thang vì ít của cải... hóa ra lại vô cùng tuyệt vời.