Ở tuổi 53, trong khi nhiều bạn bè đồng trang lứa đã bắt đầu tính tới chuyện ‘giải nghệ’ chuẩn bị về vui thú điền viên với con cháu, thì ông Nguyễn Văn Khỏe mới bắt đầu khởi hành xây dựng sự nghiệp riêng cho bản thân.
Tuy nhiên, có vẻ câu chuyện tuổi tác không giúp ích nhiều cho startup này trong quá trình vận hành doanh nghiệp, bởi sau 3 năm, những vấp váp mà ông gặp phải không hề ít hơn các startup trẻ tuổi; có chăng, ông chỉ hơn những người trẻ ở sự kiên nhẫn và tấm lòng bao dung với người khác.
Nhờ đó, Nguyễn Văn Khỏe mới có thể tiếp tục kiên định với con đường mà mình đã chọn lựa và có những thành quả nhất định như gọi vốn thành công 1 triệu USD trên chương trình Shark Tank.
Hành trình khởi nghiệp chông gai
Cũng như nhiều startup đổi mới sáng tạo khác, ý tưởng khởi nghiệp của Nguyễn Văn Khỏe cũng bắt nguồn từ cuộc sống. Tuy nhiên, khác với họ, ý tưởng của startup này hình thành sau hơn 10 năm không ngừng thử nghiệm và nghiên cứu.
Lớn lên trong 1 làng nghề chuyên làm bún – miến ở Đồng Nai, trước năm 2014, nghề chính của Nguyễn Văn Khỏe cũng là kinh doanh bún – miến khô bỏ cho các quán ăn, chợ và siêu thị. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giảm giá thành sản xuất và vốn là người ưa thích tìm tòi – sáng tạo, ông đã tự mày mò chế tạo một hệ thống sấy miến bằng năng lượng mặt trời cho gia đình mình sử dụng.
Trong suốt nhiều năm nghiên cứu và cải tiến, năm 2011, ông Khỏe tìm ra một nguyên lý sấy khô bằng nhiệt mặt trời khác với lý thuyết của các trường đại học, nhưng hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, những tưởng chuyện áp dụng lý thuyết vào thực tế sẽ dễ dàng, nhưng sự thật ngược lại, khi đến năm 2014, startup này mới sáng tạo ra được hệ thống máy móc có thể phát huy được nguyên lý sấy khô mới trên ở quy mô công nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Hệ thống sấy nhiệt mặt trời
Đưa miến vào lò sấy
"Trong khoảng 3 năm đó, không ít lần tôi đã tính bỏ cuộc, những lần thử nghiệm – thất bại, không chỉ bào mòn tiền bạc của gia đình mà còn bào mòn tính kiên nhẫn của tôi. Cảm giác ngồi trên ‘mỏ vàng’ nhưng không tìm ra cách để khai thác chúng khiến tôi vô cùng khó chịu", ông Khỏe chia sẻ.
Những tưởng, 3 năm kể trên đã là thời điểm khó khăn nhất với startup ngũ tuần này, nhưng không phải: ông đã mất thêm 3 năm nữa chỉ để làm 1 việc - thuyết phục khách hàng tin vào công nghệ mà ông nắm giữ. Phải đến năm 2017, Công ty CP Công nghệ Nhiệt Mặt Trời mới có những khách hàng đầu tiên.
Chưa hết, kể từ khi khởi nghiệp năm 2014 đến nay, Nguyễn Văn Khỏe đã không ít lần phải mất tiền oan vì quá tin người và thiếu kinh nghiệm thực tế trong kinh doanh.
Ví dụ, ông từng bị một người hợp tác làm marketing – sale ‘đâm sau lưng’, sau khi nhảy vào học hỏi công nghệ của ông nhưng chưa đến nơi đến chốn, người đó đã vội vàng hợp tác với một người khác nhảy vào lĩnh vực này, thậm chí còn mạo danh ông; hoặc một vài người tìm đến ông, thuyết phục ông rằng, thị trường Lào – Campuchia là rất tiềm năng với công nghệ sấy mặt trời của ông, nhưng sau khi ông chi tiền cho họ phát triển thị trường, không thành công rồi họ cũng đi mất.
Lần "giải quyết hậu quả" đau thương nhất của ông là đầu năm 2018. Trong nửa đầu năm 2018, ông Nguyễn Văn Khỏe phải chạy tất bật khắp nơi để xử lý sự cố cho khách hàng. Câu chuyện là: ông thường lấy mica Đài Loan từ một cửa hàng của người quen, sau đó chủ cửa hàng – người vợ nghỉ sinh con, công việc chuyển sang cho ông chồng; sau đó ông chồng thay mica Đài Loan bằng những loại mica từ các nước khác kém chất lượng hơn mà ông không hề biết, chỉ vì quá tin vào chữ tín của họ!
Theo ông Khỏe, cái khó nhất không phải là chuyện bỏ tiền túi ra để thay loại mica đúng cho khách, mà chính là làm sao để khách hiểu đây chỉ là sự cố ngoài ý muốn, chứ không phải Nhiệt Mặt Trời cố tình làm ăn gian dối. Cũng may, sau khi mất 6 tháng xử lý sự cố khách hàng mới hiểu và thông cảm, thế nên nửa sau năm 2018 ông lại có thêm hợp đồng.
Khách hàng là ân nhân
Có sản phẩm tốt, nhưng ông Nguyễn Văn Khỏe mất 3 năm mới có khách hàng đầu tiên. Nguyên do cho sự chậm trễ đó là bởi người ta không tin vào công nghệ mới của ông có thể mang lại hiệu quả cao như ông nói. Trong quá khứ, đã có nhiều người đầu tư hệ thống sấy khô khác nhưng thất bại, nên sự nghi ngờ của họ là điều dễ hiểu.
Và cho đến thời điểm này, vẫn có rất nhiều người muốn ông tự bỏ tiền ra làm, họ thấy hiệu quả mới trả tiền lại cho ông, nhưng ông từ chối vì không đánh cược vài tỷ vào sự ‘thách đố’ của khách hàng, vì lỡ họ đổi ý không chịu đầu tư nữa thì rủi ro ông phải gánh hết!
Thế nên, ông rất trân trọng những khách hàng đầu tiên của mình tại từng lĩnh vực ở nhiều nơi: Long An, Biên Hoà, Tây Ninh, Củ Chi... và xem họ như ân nhân của mình, vì những người đó đã tin ông.
Sau khi thực hiện công trình sấy bánh tráng đầu tiên thành công tại Tây Ninh, đã có thêm nhiều lò bánh tráng khác ở Củ Chi tìm tới ông và đặt hàng ông thực hiện hệ thống sấy khô bằng nhiệt mặt trời cho họ.
Với ông Khỏe, những khách hàng nói trên không chỉ là người nuôi sống công ty của ông, mà còn là những người bạn đồng hành cùng ông trong hành trình ‘chinh phục" nhiệt mặt trời – nguồn năng lượng xanh nhất của thế giới.
Do công nghệ của ông vẫn còn mới, nên ông phải thường xuyên cải tiến, thế nên mới có chuyện, hệ thống sau của ông luôn tốt hơn hệ thống trước. Ở một mức độ nào đó, có thể nói: khách hàng đã đồng ý trả tiền để trở thành "chuột bạch" của Nhiệt Mặt Trời, vì nếu không có họ cùng thực hiện ông sẽ chẳng thể kiểm chứng được sự đúng sai của lý thuyết trong thực tế.
Để tri ân, ông Khỏe thường xuyên trở lại gặp những khách hàng cũ để cải tiến hệ thống cho họ. Ngoài ra, có những khách hàng không chịu thanh toán hết tiền trong hợp đồng, ông cũng bỏ qua, cứ xem như mình xui xẻo.
Ngay cả khi thiết kế phải thay đổi hoặc có những thứ chi phí phát sinh bất ngờ, khiến mức giá công trình cao hơn với thỏa thuận với khách, ông Khỏe cũng chấp nhận bỏ tiền túi thực hiện nhằm giữ đúng cam kết với 5 giá trị kinh doanh cốt lõi mà ông luôn tâm niệm: tận tâm, tận lực, tận cùng, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Shark Việt và ông Nguyễn Văn Khỏe tại Shark Tank Việt Nam
Ông Khỏe có 3 mục tiêu lớn từ năm 2019: làm quy chuẩn – quy trình cho các sản phẩm của Nhiệt Mặt Trời, tiếp tục chiếm lĩnh thị trường và mở rộng lĩnh vực ứng dụng của công nghệ.
"Trong năm 2018, điều khiến tôi vui nhất là tôi đã có thể tự động hóa quy trình công nghệ này. Hiện tại, tôi không còn lấn cấn về các nhược điểm của hệ thống sấy Nhiệt Mặt Trời nữa.
Trong năm 2019, tôi muốn làm quy chuẩn – quy trình cho sản phẩm của Nhiệt Mặt Trời để trông chuyên nghiệp hơn cũng như lan tỏa dễ hơn. Vì hiện tại, không ít khách của tôi đang ngồi chờ, vì họ thấy cứ dự án sau của Nhiệt Mặt Trời tốt hơn dự án trước, tôi thì không muốn như thế", ông Khỏe tiết lộ.
Trong năm 2017 và 2018, để lấy tạo uy tín và chiếm lĩnh thị trường, ông Khỏe không ngừng ngại đưa ra mức giá tối thiểu, khiến lợi nhuận chỉ đủ duy trì hoạt động công ty Nhiệt Mặt Trời. Bởi hiện tại, trên thị trường cũng có những công nghệ sấy khác, cho dù hiệu suất của ông gấp đôi người ta, nhưng nếu mức giá đầu tư ban đầu chênh lệch với đối thủ quá cao thì khách hàng sẽ không mạnh dạn đầu tư.
Tuy nhiên, trong vài năm tới, có thể ông sẽ không tiếp tục kéo dài tình trạng ‘lấy công làm lời’ nữa, bởi "sau khi xây dựng được niềm tin với khách hàng và giúp họ nhận ra giá trị của công nghệ Nhiệt Mặt Trời - tiết kiệm lâu dài, thì việc đầu tư lớn sẽ không còn là rào cản để họ đồng hành với chúng tôi nữa", ông Khỏe nhận định.
Hiện tại, công nghệ sấy nhiệt mặt trời của ông chỉ tập trung vào 2 sản phẩm là bún – miến và bánh tráng; trong năm 2019, ông muốn mở rộng danh mục sang sấy dược liệu, hải sản và trái cây. Vì đã có công nghệ lõi, nên chuyện áp dụng vào những chất liệu khác nhau sẽ không quá khó khăn.
Với trái tìm hồn nhiên và thuần khiết của mội người yêu thích - ham mê sáng tạo, startup này dù đi chậm nhưng đều là những bước chân đầy vững chắc trong lĩnh vực còn khá mới ở Việt Nam: công nghệ sấy bằng nhiệt mặt trời.