"Các startup Việt không nên bó hẹp mình trong một thị trường, không nên nghĩ thị trường 90 triệu dân đã là đủ. Các bạn nên tư duy mở rộng ra thế giới", tỷ phú Thụy Sỹ Axel Schultze chia sẻ tại hội thảo "Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu.
Giữ vai trò Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo thế giới, cùng kinh nghiệm nhiều năm điều hành doanh nghiệp, ông Axel Schultze đưa ra nhiều lời khuyên cho giới khởi nghiệp, trong đó có lời khuyên về việc tư duy toàn cầu. Nhưng để làm được điều này, tỷ phú Schultze nhấn mạnh yếu tố đầu tiên các startup Việt cần đáp ứng là ngoại ngữ.
Ông lấy ví dụ tại Đức, hầu hết các hội thảo, workshop về khởi nghiệp sáng tạo đều sử dụng tiếng Anh. Ban đầu, việc áp dụng này gây nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau 4 năm liên tiếp đã cho kết quả rõ rệt.
Vị tỷ phú cho biết chính bản thân ông cũng từng rất mệt mỏi khi phải học tiếng Anh, từng "nói nhiều đến mức đau hết cả hàm". Nhưng, trong một lần nói chuyện với người bạn thân làm kinh doanh, khi anh này nói rằng "Tớ nghĩ bọn mình như nhau nhưng cậu có điểm hơn tớ là biết tiếng Anh", ông đã có suy nghĩ khác.
"Do vậy, điều kiện cần cho cộng đồng khởi nghiệp của Việt Nam, trước hết là phải xóa bỏ rào cản về ngoại ngữ", tỷ phú Schultze nhấn mạnh.
Bên cạnh yếu tố ngoại ngữ, tỷ phú người Thụy Sỹ cũng chỉ ra những yếu tố nhà đầu tư thường quan tâm ở startup như giá trị tạo dựng, người sáng lập có tầm nhìn dài hạn không hay sản phẩm đã được thử nghiệm trên thị trường chưa,…
Một yếu tố được ông đặc biết nhấn mạnh nữa chính là tính sáng tạo. "Thung lũng Silicon nổi tiếng với giới khởi nghiệp, Trung Quốc cũng có mô hình như vậy nhưng nó không sáng tạo. Hay như Alibaba thành công nhưng không sáng tạo vì nó giống với Amazon của Mỹ", tỷ phú Schultze nhận xét.
Ông khẳng định sáng tạo có nghĩa là khác biệt. Như vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam phải tìm và làm được những sản phẩm của chính mình, chưa từng có, để khi ra quốc tế, người ta phải tìm xem "nguồn gốc" và ồ lên "Cái này là của Việt Nam à". Điều này mới thật sự là sáng tạo,
Riêng về "khẩu vị" khi đầu tư, tỷ phú Schultze cho biết ông đang tìm kiếm các startup đã phát triển được một thời gian chứ không còn ở giai đoạn ý tưởng. Nghĩa là họ đã có những khách hàng đầu tiên và sản phẩm mẫu, có một nhóm làm việc cùng nhau. Ở đó, những nhà sáng lập, lý tưởng là khoảng 2-3 người, góp số vốn tương đương nhau, họ có những ý tưởng tuyệt vời và muốn phát triển chúng ra toàn cầu.
Với các startup đang có ý định gọi vốn nói chung, lời khuyên của ông là họ nên tìm kiếm những cố vấn có thể giúp họ hoàn thành mọi thứ trước khi bắt đầu gọi vốn. Bởi nếu đi gọi vốn quá sớm, startup có thể bị các nhà đầu tư từ chối vì chưa chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ; và khi đó thì rất khó để họ quay lại gọi vốn từ những nhà đầu tư đó trong lần sau.
"Do đó hãy đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị kỹ càng và vận hành quy cũ, tử mô hình kinh doanh, tầm nhìn, mô hình sản phẩm, đánh giá thị trường hay thậm chí việc vốn hóa doanh nghiệp", vị tỷ phú nhắn nhủ.