Sinh ra và lớn lên, chúng ta có những người bạn phù hợp trong từng thời điểm. Nhưng hãy thử nhìn lại những mối quan hệ dù "thân tưởng chết" thời phổ thông hoặc đại học của bạn xem, đã bao lâu bạn chưa gặp họ? Giữa bộn bề công việc đan xen gia đình, tất cả cũng dần xa cách. Để rồi bạn nhận ra, chẳng có mối quan hệ nào là vĩnh cửu cả.
Và bạn biết gì không, thực chất đây cũng là điều đã được khoa học chứng minh. Theo một nghiên cứu trên 177.000 người của các chuyên gia từ ĐH Duke (Hoa Kỳ) vào năm 2006, những mối quan hệ bạn bè trong tuổi trẻ liên tục được mở rộng cho đến trước tuổi 25, rồi sau đó co lại, dần tan rã.
Trong một khảo sát khác vào năm 1985, một người Mỹ thông thường có khoảng 3 tri kỷ trong đời. Nhưng vài thập kỷ sau, con số trung bình là... một số 0 tròn trĩnh.
Lý do thì có rất nhiều. Có thể đến từ gia đình - cha mẹ chia tay, chuyển nhà... hoặc đơn giản chỉ là do bận bịu công danh sự nghiệp, cho những mối quan hệ mới mà dần xao nhãng đi người cũ.
Đó là thực tại cần chấp nhận. Dẫu vậy, nghe vẫn thật đau lòng đúng, khi những mối quan hệ gắn liền với tuổi trẻ dần xa cách. Vậy phải làm sao để vượt qua nó? Làm sao để giữ được những mối quan hệ cũ? Làm sao để kết được bạn mới khi đã qua mốc 25? Mọi thứ đều có cách giải quyết.
1. Hai chữ "cùng nhau" cần lặp lại thường xuyên hơn
Điều gì làm nên một tình bạn? Hợp gout? Hợp tính cách? Hợp gia cảnh ngoại hình? Cũng có thể! Nhưng thực chất, thành phần mấu chốt để xây dựng một mối quan hệ chính là "tần suất".
Khi tiếp xúc, tương tác với cùng một người trong thời gian dài, tình bạn sẽ nảy sinh. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mady W. Segal vào năm 1974, bà đã hỏi 44 cảnh sát tập sự về người bạn thân nhất của mình. Kết quả, đó chính là người thường ngồi cạnh họ khi làm việc.
Trong một nghiên cứu kinh điển khác vào năm 1950 tại Oxford trong một khu nhà tập thể cho sinh viên, kết quả cho thấy những nhân vật nổi tiếng quảng giao nhất khu cũng là những người sống tại khu vực đông người qua lại nhất.
Tóm lại muốn kết bạn với ai, hãy tạo cơ hội để gặp nhau nhiều hơn. Muốn giữ quan hệ cũng vậy, phải gặp nhau nhiều hơn. Hãy trở thành một thói quen của nhau, đó chính là cách duy trì những mối quan hệ tốt đẹp.
2. Hãy chia sẻ về bản thân nhiều hơn
Với nhiều người, việc phải trả lời các câu hỏi từ người mới quen giống như một cực hình. "Bạn làm gì? Quê ở đâu? Tại sao lại quyết định đến đây?"... những câu hỏi chẳng khác gì tra tấn cả.
Tuy nhiên thực chất, cảm giác ấy đến chỉ là do sự ngại ngùng. Mà ngại ngùng thì giết chết các mối quan hệ. Vậy nên bạn hãy thử chia sẻ nhiều hơn và tự nhiên hơn về bản thân mình. Hãy tập sao cho bạn có thể chia sẻ một cách dễ dàng mà không còn ngại ngần nữa.
Dù bạn hướng nội hay hướng ngoại, việc chia sẻ về bản thân cũng là cách để mang bạn và những người xung quanh đến gần nhau hơn.
3. Trở thành người chủ động trong câu chuyện
Trước những mối quan hệ mới, nhiều người tỏ ra dè dặt và kém cởi mở. Nhưng đâu nhất thiết phải quá nóng vội làm gì? Hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên, và bạn có thể bắt đầu nó bằng cách mở lời trước - một câu xin chào thôi chẳng hạn?
Theo thạc sĩ tâm lý Ellen Hendriksen, hầu hết mọi người khi bắt chuyện thường có tâm lý sợ bị từ chối. Vậy nên thay vì đợi họ, bạn nên bắt đầu trước, dẫn dắt câu chuyện, và nỗi sợ giữa cả 2 sẽ tự nhiên tan biến.
Quả thực ở cái tuổi đã có kinh nghiệm khi đi làm, việc vượt qua trở ngại để kết bạn quả thực là khó khăn. Nhưng đừng nản chí, vì thực ra bạn bè tiềm năng luôn có ở quanh ta.
Tham khảo: Business Insider