Xã hội

Sau khi sáp nhập, TP Đà Nẵng mới có quy mô kinh tế như thế nào?

Sau 28 năm chia tách, ngày 1/7 vừa qua, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã chính thức sáp nhập trở lại với tên gọi là TP Đà Nẵng. Thành phố mới được kỳ vọng sẽ trở thành “siêu đô thị ven biển” miền Trung, dẫn dắt sự phát triển kinh tế của toàn vùng.

GRDP 6 tháng đầu năm ước tăng 9,4%

Báo cáo tại buổi làm việc của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết với Sở Tài chính về triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2025 diễn ra sáng ngày 4/7, bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng đã cập nhật thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng sau khi hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, thông tin từ Báo Đầu tư.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh trên địa bàn TP Đà Nẵng cũ tăng 11,03%, còn tỉnh Quảng Nam tăng 7,42%. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP của TP Đà Nẵng mới ước tăng 9,4%.

Hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng gặt hái nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp mới 47 dự án FDI, tổng vốn thu hút 122,11 triệu USD. Bên cạnh đó, cấp mới 42 dự án trong nước với vốn đăng ký đạt 17.952 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 3.102 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 12.599 tỷ đồng; tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 31,02% về số vốn so với cùng kỳ 2024.

Sau 6 tháng đầu năm, TP Đà Nẵng đã thu hơn 28.969 tỷ đồng ngân sách Nhà nước, bằng 57,2% dự toán HĐND cấp tỉnh giao và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước thực hiện 25.597 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước thực hiện 3.354 tỷ đồng.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Về giải ngân đầu tư công, ước đến ngày 30/6, giải ngân kế hoạch vốn theo dự toán giao năm 2025 của thành phố ước đạt 5.471 tỷ đồng, bằng 30,5% kế hoạch vốn Thủ tướng giao.

Thành phố đã khánh thành và khởi công nhiều công trình, dự án như cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu, Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo Công viên 29 tháng 3; cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị; dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam (AFD).

TP Đà Nẵng cũng nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng một số dự án lớn như khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Quảng Huế; Chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu Tiểu khu I, khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang…

Kỳ vọng trở thành 'siêu đô thị ven biển' miền Trung

Có thể thấy việc sáp nhập TP Đà Nẵng cũ với tỉnh Quảng Nam chính là sự kết nối giữa những thế mạnh kinh tế có tính bổ trợ cao, tạo nên một không gian phát triển đa chiều. 

Trong đó, du lịch đã là ngành kinh tế mũi nhọn của cả hai địa phương trước khi hợp nhất. Trong khi Đà Nẵng (cũ) có thế mạnh về những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp cùng những sự kiện thu hút du khách với quy mô lớn thì Quảng Nam lại có thế mạnh về du lịch văn hóa, du lịch di sản và du lịch sinh thái.

Trả lời phỏng vấn của Báo Đà Nẵng vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (cũ) nhận định sau khi hợp nhất hai địa phương, ngành du lịch sẽ lớn mạnh. “Đà Nẵng mới sẽ tập trung xây dựng các sản phẩm mới. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa sẽ là những sản phẩm mới”, ông Hồng nói.

Hàng hoá qua cảng Chu Lai. (Ảnh: THACO).

Về công nghiệp, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - khoa học - công nghệ của miền Trung thông qua việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao với các dự án như Công viên phần mềm số 2 và chuỗi sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử, phần mềm xuất khẩu.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam lại nổi bật về công nghiệp chế biến - chế tạo, với các khu công nghiệp lớn nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, có thể đáp ứng nhu cầu về mặt bằng, hạ tầng và nhân lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Ngoài ra, sau sáp nhập, TP Đà Nẵng mới sẽ có hai sân bay (sân bay quốc tế Đà Nẵng và sân bay Chu Lai), ba cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu và Chu Lai) cùng hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, kết nối liên hoàn theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics.

Đặc biệt, TP Đà Nẵng mới tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Nổi bật trong đó là Nghị quyết số 136 v và Nghị quyết số 222 về trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam,... Những cơ chế này sẽ là đòn bẩy quan trọng, giúp thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển tại thành phố.

Việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn là cơ sở để thành phố tiếp tục triển khai các mô hình kinh tế mới có tính đột phá. Không chỉ có quy mô dân số, diện tích và tăng trưởng GRDP lớn hơn, TP Đà Nẵng mới còn sở hữu tiềm lực chính sách và chiến lược phát triển dài hạn, từ công nghiệp công nghệ cao, thương mại tự do đến tài chính toàn cầu.

Các tin khác

Từ 1/7, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương: Thay đổi lớn ảnh hưởng hàng triệu người

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng, với nhiều thay đổi quan trọng về cách tính mức đóng, thời hạn nộp và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.

1.500 tỷ đồng cho "bộ não" cao tốc

Dự án Trung tâm Quản lý giao thông thông minh quốc gia đặt tại Cục Đường bộ Việt Nam có tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn đầu tư công, được kỳ vọng là “bộ não” của toàn tuyến cao tốc.

Siêu dự án đại lộ và cảnh quan, khát vọng kỳ tích sông Hồng

Theo giới chuyên gia, siêu dự án xây dựng đại lộ và cảnh quan ven sông Hồng sẽ xứng đáng với tên gọi “kỳ tích sông Hồng” nếu có thể mang lại nhiều lợi ích nhất có thể cho người dân Hà Nội nói chung vùng ven sông Hồng nói riêng.

Sacombank đồng hành cùng hộ kinh doanh trong giai đoạn chuyển mình

Chuyển đổi mô hình kinh doanh, quy định mới về thuế, ứng dụng công nghệ và quản lý dòng tiền - những khái niệm mà nhiều cá nhân, tiểu thương, hộ kinh doanh tại Việt Nam đang bắt đầu tiếp cận, làm quen trong bối cảnh chính sách thuế có nhiều thay đổi.