Tài chính

Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương xem xét gỡ bỏ công cụ room tín dụng, điều hành theo cơ chế thị trường

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý (khoảng trên 16%); chỉ đạo tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính về hạn mức tín dụng, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường; xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2025.

Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương xem xét gỡ bỏ cơ chế room tín dụng, điều hành theo cơ chế thị trường - Ảnh 1.

Thủ tướng phát biểu tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Được biết, cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng (room tín dụng) đã được NHNN duy trì suốt hơn chục năm qua, là công cụ để cơ quan này kiểm soát chất lượng và quy mô dư nợ cho vay của các ngân hàng, cũng như phục vụ các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác như lãi suất, cung tiền và lạm phát.

Sau thời gian dài đóng góp quan trọng vào hoạt động điều hành của NHNN, cơ chế phân bổ room tín dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế; nhất là khi nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng nền kinh tế ngày càng tăng và phần lớn các ngân hàng đã hoàn tất việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo Basel II và Basel III theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để ngành ngân hàng vận hành theo hướng linh hoạt hơn.

Việc "tiến tới bỏ room tín dụng" cũng đã được các lãnh đạo NHNN đề cập nhiều lần trong thời gian gần đây. Tại hội nghị Thủ tướng làm việc với các ngân hàng thương mại hồi đầu năm nay, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng".

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối; tăng cường quản lý thị trường vàng; khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 24 trong tháng 7/2025; quyết liệt triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đã có; triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.

Theo công bố của NHNN, tính đến 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024. So với cùng kỳ của năm 2024 (cuối tháng 6/2024) tín dụng tăng 18,87%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.



Các tin khác

Từ 1/7, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 25% trên tiền lương: Thay đổi lớn ảnh hưởng hàng triệu người

Từ ngày 1/7/2025, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tổng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ là 25% trên tiền lương làm căn cứ đóng, với nhiều thay đổi quan trọng về cách tính mức đóng, thời hạn nộp và quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Đây là cách công nghệ cao vào cuộc, đưa Thái Lan thành "ông hoàng sầu riêng": Nắm 60% thị phần tại Trung Quốc, dự báo bội thu đơn hàng năm 2025

Trước nhu cầu bùng nổ từ Trung Quốc và nhiều thị trường quốc tế, nông dân trồng sầu riêng Thái Lan đang tích cực ứng dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Acecook Việt Nam đổi mới chiến lược: Hướng tới hạnh phúc toàn diện cho người tiêu dùng

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày bán hàng đầu tiên tại Việt Nam, Acecook chính thức công bố chiến lược phát triển mới mang tên “Đổi mới nâng tầm hạnh phúc – Cook Happiness Through Innovation”, khẳng định bước chuyển mình mạnh mẽ với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững và vươn tầm thế giới.