Doanh nghiệp

Sắp được chia hơn 60 tỷ đồng, đại gia Trương Gia Bình sở hữu khối tài sản thế nào?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index lao dốc 57,04 điểm (4,44%) về mốc 1.227,04 điểm. Đây là mức giảm theo số tuyệt đối mạnh nhất trong vòng một tháng gần nhất.

Diễn biến bán tháo cũng xuất hiện trên các sàn tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index rơi 18,07 điểm (-5,9%) về 288,37 điểm và UPCoM-Index mất 3,4% còn 90,53 điểm.

Chỉ một ngày sau phiên lao dốc của VN-Index, CTCP Tập đoàn FPT (FPT) do ông Trương Gia Bình làm Chủ tịch sẽ chốt danh sách trả cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền và cổ phiếu (14/6).

Theo đó, FPT sẽ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%, tương ứng mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận được 1.000 đồng. Thời gian thanh toán là ngày 27/6. Với 914 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT sẽ chi 914 tỷ đồng để thanh toán cổ tức tiền mặt.

Cùng với đó, FPT sẽ thanh toán cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 5:1 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của FPT sẽ tăng từ 9.142 tỷ đồng lên 10.970 tỷ đồng.

Theo báo cáo quản trị năm 2021 của FPT, Chủ tịch Trương Gia Bình đang trực tiếp nắm giữ gần 64 triệu cổ phiếu FPT, tương đương với vị đại gia sinh năm 1956 sẽ nhận được gần 64 tỷ đồng tiền cổ tức và gần 12,8 triệu cổ phiếu mới.

Sắp được chia hơn 60 tỷ đồng, đại gia Trương Gia Bình sở hữu khối tài sản thế nào? - 1

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình sắp nhận được số tiền cổ tức tới hơn 60 tỷ đồng

Sau đợt chia cổ tức của FPT, ngoài gần 64 tỷ đồng tiền mặt nhận được ông Trương Gia Bình sẽ sở hữu hơn 76,7 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 13/6, khối tài sản của đại gia 66 tuổi ở mã cổ phiếu này có giá trị hơn 6.615 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, FPT thông qua kế hoạch với doanh thu tăng trưởng 19% lên 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 20,2% đạt 7.618 tỷ đồng.

Chỉ sau 4 tháng đầu năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu thuần 12.991 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.081 tỷ đồng; lần lượt tăng 24,5% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng trong tháng 4, doanh thu của công ty đạt 3.261 tỷ đồng, tăng 14,6% so với tháng 4/2021; lợi nhuận sau thuế tăng 25% lên 534 tỷ đồng. Với kết quả này, FPT của đại gia Trương Gia Bình đã hoàn thành 30,6% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 27,3% kế hoạch lợi nhuận của cả năm.

Trong khi đó, nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 14/6, chuyên gia các công ty chứng khoán (CTCK), cho rằng việc VN-Index đánh mất hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.260 điểm khiến trạng thái thị trường đang dần trở nên tiêu cực hơn và VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới.

Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) đánh giá xu hướng ngắn hạn của thị trường trở nên tiêu cực hơn khi chỉ số VN-Index ghi nhận phiên 13/6 giảm điểm mạnh kèm thanh khoản gia tăng. Do đó, Aseansc cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới.

Aseansc dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.210 – 1.220 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.190 – 1.200 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đánh giá những nỗ lực hồi phục trong gần 1 tháng qua của thị trường sắp bị thổi bay chỉ sau 2 phiên thị trường giảm điểm vừa qua 10 và 13/06. Tuy nhiên SHS kỳ vọng VN-Index sẽ dần tạo thành một vùng tích lũy mới và mang tính dài hạn trong đó ngưỡng cản mạnh là đáy cũ quanh 1.170 điểm.

Sau phiên giao dịch ngày 13/6, kỳ vọng VN-Index tích lũy thêm trước khi có thể bùng nổ vượt cản 1.300 điểm đã trở nên khó khăn bởi thị trường đã giảm rất sâu gãy cả vùng tích lũy quanh 1.300 điểm, khả năng cao VN-Index sẽ tạo ra vùng tích lũy mang tính trung - dài hạn với ngưỡng cản dưới quanh 1.170 điểm (vùng đáy cũ).

Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) phân tích về góc nhìn kỹ thuật, 3 phiên gần nhất VN-Index tạo mô hình tương tự mô hình evening star kèm theo tín hiệu phân kỳ âm khá rõ ràng ở khung đồ thị 1 giờ báo hiệu rủi ro đã tăng lên. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ giao dịch tích lũy lại quanh vùng điểm 1.280 – 1.300.

Ngược lại, với kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kết thúc nhịp sóng hồi tại đây và bước vào sóng điều chỉnh tiếp theo để hoàn tất chu kỳ sóng giảm. Thị trường trong ngắn hạn sẽ có sự phân hóa mạnh và tiềm ẩn rủi ro cao trước những thông tin vĩ mô về kinh tế.  

Chia sẻ
Theo Hoàng Nam (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm