Sau thông tin phản ánh của phóng viên TTXVN “Đà Nẵng còn 68 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà”, chính quyền quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đã phản hồi, nêu lên những khó khăn trong quá trình xử lý vi phạm.
Theo thông tin của UBND quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng), có 68 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích xây dựng lán, trại, lều tạm, kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà. Qua rà soát, các trường hợp trên đều là các hộ tự ý xây dựng trái phép, kinh doanh trái phép trên đất được giao khoán theo hồ sơ giao khoán đất để trồng rừng.
Về các biện pháp để xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên Bán đảo Sơn Trà, ông Hoàng Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho hay, UBND quận đã ban hành Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 28/4/2021 xử lý các trường hợp xây dựng quán tạm, lán trại và kinh doanh trái phép trên bán đảo Sơn Trà; chỉ đạo UBND phường Thọ Quang cùng các phòng, ngành liên quan phối hợp Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn kiểm tra hồ sơ giao khoán đất trồng rừng, lập biên bản hiện trạng toàn bộ 68 trường hợp vi phạm. Từ năm 2017 đến nay, UBND quận Sơn Trà đã kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều trường hợp cơi nới hoặc xây dựng mới trên bán đảo Sơn Trà.
UBND quận Sơn Trà tiếp tục chỉ đạo UBND phường Thọ Quang và các phòng, ban, ngành của quận phối hợp với Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tổ chức vận động, tuyên truyền, hỗ trợ các chủ hộ xây dựng, kinh doanh trái phép tự tháo dỡ công trình vi phạm. Đến nay, các đơn vị chức năng đã tháo dỡ 7/68 trường hợp (trong đó 6 trường hợp lực lượng hỗ trợ hộ dân tháo dỡ và 1 trường hợp cưỡng chế tháo dỡ theo quy định).
Theo ông Hoàng Công Thanh, trong quá trình xử lý, các đơn vị chức năng gặp không ít khó khăn như: Tất cả các hợp đồng giao khoán trước đây của các trường hợp xây dựng trái phép đều không xác định ranh giới, không có mốc ranh giới đất giao khoán nên hiện tại việc xác định lại ranh giới hết sức khó khăn; một số hộ đã tự ý chuyển nhượng trái phép hoặc cho, tặng người thân nhưng không thông qua các cơ quan có thẩm quyền nên rất khó khăn trong việc xử lý hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả...
Ông Hoàng Công Thanh cho biết thêm, để có cơ sở xử lý và cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm nêu trên, UBND quận Sơn Trà đã nghiên cứu về căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính theo quy định và đã tham vấn ý kiến của các sở, ban ngành thành phố như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Đến cuối năm 2021 các đơn vị vẫn chưa thống nhất được cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định.
Hiện nay, các đơn vị đã thống nhất cơ sở pháp lý để xử lý tháo dỡ 68 trường hợp vi phạm này tại Điều 10 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 quy định về phân loại đất.
Ngoài ra, trong năm 2020-2021, do tình hình dịch bCOVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố nói chung và quận Sơn Trà nói riêng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo ghi nhận của phóng viên, các trường hợp xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp nhận khoán ở Bán đảo Sơn Trà đa số là vườn rừng, có nhà xây, ao cá, đường nội bộ lót gạch… dùng vào mục đích ở và kinh doanh nhà hàng, quán nước.
Trong các trường hợp này, có trường hợp xây dựng từ trước năm 2000, có trường hợp xây muộn nhất vào năm 2012.