Tài chính

Sao đổi ngôi ngành xây lắp: Hòa Bình Corp đã vượt mặt Coteccons ở mọi phương diện, trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam

Phiên giao dịch ngày 10/11, giá cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây Dựng Hòa Bình tăng trần, lên mức 23.700 đồng/cổ phiếu, qua đó nâng giá trị vốn hóa của nhà thầu xây dựng này lên 5.745 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị vốn hóa của Công ty cổ phần xây dựng Coteccons khoảng 5.500 tỷ đồng. Như vậy, sau cả chục năm trời thống trị ngành xây lắp, Coteccons đã chính thức bị Hòa Bình vượt mặt và không còn là doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam.


Sao đổi ngôi ngành xây lắp: Hòa Bình Corp đã vượt mặt Coteccons ở mọi phương diện, trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Giá trị vốn hóa là rào cản cuối cùng để Hòa Bình Corp vượt qua Coteccons, trở thành nhà thầu lớn nhất. Trước đó, Hòa Bình đã vượt qua Coteccons ở cả doanh thu và lợi nhuận trong 2 quý gần đây.

Cụ thể, doanh thu của Hòa Bình trong quý 2 và quý 3 vừa qua đạt lần lượt là 3.179 tỷ đồng và 2.092 tỷ đồng, gấp 1,5-2 lần so với Coteccons là 2.550 tỷ đồng và 1.070 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù cùng bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội nhưng mức giảm doanh thu lợi nhuận của Hòa Bình thấp hơn rất nhiều so với mức giảm của Coteccons. Kết quả này khiến doanh thu Coteccons giờ đây chỉ bằng 1/2 so với đối thủ.

Sao đổi ngôi ngành xây lắp: Hòa Bình Corp đã vượt mặt Coteccons ở mọi phương diện, trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Đối với lợi nhuận, Hòa Bình báo lãi trước thuế 77 tỷ đồng trong quý 2, cao gấp 5 lần so với Coteccons. Sang quý 3, lợi nhuận của cả 2 cùng giảm, nhưng Hòa Bình vẫn có lãi 15 tỷ đồng, trong khi Coteccons chịu khoản lỗ 12 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán Coteccons phải báo cáo thua lỗ.

Sao đổi ngôi ngành xây lắp: Hòa Bình Corp đã vượt mặt Coteccons ở mọi phương diện, trở thành nhà thầu lớn nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Nhìn vào cú "soán ngôi" về giá trị vốn hóa của Hòa Bình, có thể thấy nguyên nhân đến từ cả 2 phía. Trong khi vốn hóa Coteccons đi ngang và giảm thì Hòa Bình lại tăng vọt. Sự sa sút đến chóng mặt của Coteccons diễn ra ngay sau khi công ty này chia tay dàn lãnh đạo sáng lập, như Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công, cùng nhiều cán bộ chủ chốt khác. Nguyên nhân được dàn lãnh đạo mới đưa ra là do "xung đột lợi ích".

Điểm trùng hợp thú vị là trong năm 2020 Hòa Bình cũng thay đổi nhân sự cấp cao, cụ thể là vị trí Tổng giám đốc. Tuy nhiên, câu chuyện ở Hòa Bình mang tính tiếp nối - chuyển giao thế hệ, khi Chủ tịch Lê Viết Hải rời ghế CEO để "truyền ngôi" cho con trai là Lê Viết Hiếu sau 3 thập kỷ xây dựng công ty, trái ngược với bối cảnh "cuộc chiến vương quyền" như ở Coteccons

Cùng có Tổng giám đốc mới, nhưng tính từ đầu năm 2021 đến nay, trong khi giá trị vốn hóa Hòa Bình tăng những 1.600 tỷ đồng thì vốn hóa Coteccons lại giảm tới 400 tỷ đồng.

Nói về việc giao quyền điều hành cho con trai, ông Lê Viết Hải từng cho biết, đây là thời điểm Hòa Bình phải tái cấu trúc, đại dịch khiến mọi hoạt động của công ty cần phải được sắp xếp, hệ thống lại để củng cố tiềm lực, chuẩn bị tâm thế bước vào giai đoạn phát triển mới - đầu tư ra thị trường nước ngoài. Ông Hải cho rằng công ty đã có một hệ thống quản lý, nền tảng văn hóa rõ ràng làm tiền đề cho việc chuyển giao. Giai đoạn tới, với chiến lược mở rộng ra nước ngoài, ông Hải đánh giá sẽ đầy khó khăn, thử thách, đòi hỏi sức trẻ, kiến thức bài bản và năng động.

Trong một cuộc họp gần đây, ban lãnh đạo Hòa Bình nhận định lĩnh vực xây dựng có thể phục hồi từ năm 2022 hoặc sớm hơn vào nửa cuối năm 2021 do Chính phủ có các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm