Sao chổi Quỷ có tên chính thức 12P/Pons-Brooks (12P). Sao có kích thước 17km, gồm đá và băng, quay quanh Mặt trời với quỹ đạo hình eclipse.
Sao chổi Quỷ được nhìn thấy với màu sáng xanh lục đặc trưng. Trong những lần phun trào đầu tiên, hình dạng bất thường của đám mây khí khiến sao chổi 12P trông như đang mọc ra 2 chiếc sừng. Tên gọi sao chổi Quỷ từ đó mà ra.
Thời gian hoàn thành quỹ đạo của sao chổi Quỷ 12P kéo dài tới 71 năm, đồng nghĩa để nhìn được sao một lần trong đời là vô cùng hiếm. Khoa học xác định 12P không gây nguy hiểm cho Trái đất.
Theo NASA, sao chổi Quỷ 12P sẽ đạt điểm gần Mặt trời nhất vào hôm nay 21-4. Thông thường, càng gần Mặt trời, một số loại sao chổi như 12P càng phát sáng.
Bởi vì khi đó, áp suất tích tụ càng tăng, đến lúc đủ mạnh sẽ làm lớp vỏ của nhân sao chổi nứt và phần băng giá bên trong phun ra, làm cho sao rực sáng vì phản chiếu nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn về phía Trái đất.
Ông Nguyễn Tuấn Duy, chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM, cho biết khoảng thời gian hiện tại vào lúc ngay sau khi Mặt trời lặn, sao chổi Quỷ 12P/Pons-Brooks có độ cao chưa tới 15 độ ở gần chân trời phía Tây trong phạm vi chòm sao Taurus.
Với cấp sao chỉ~4, theo lý thuyết, có thể quan sát được sao chổi Quỷ với ống nhòm và thậm chí bằng mắt thường ở những nơi có thời tiết tốt, khi chân trời Tây quang đãng và không có mây. Một số người đã có ảnh chụp ở các nơi.
Tuy nhiên theo ông Duy, việc sao chổi Quỷ ở độ cao 10-15 độ so với chân trời là bất khả thi ở một thành phố lớn như TP.HCM kể cả bằng biện pháp chụp ảnh, do mây mù và ô nhiễm sáng.
Để có thể dễ quan sát và chụp được sao chổi ở Việt Nam, những người yêu thích thiên văn sẽ phải chờ tới đầu tháng 5 khi sao di chuyển về rạng sáng.
Frank Maloney, phó giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học Villanova ở Pennsylvania (Mỹ), cũng cho rằng khoảng thời gian quanh ngày cận nhật của sao chổi Quỷ dù trên lý thuyết sẽ là thời điểm tốt để ngắm sao, nhưng trên thực tế ở một số vùng vĩ độ cao phía bắc sẽ khó quan sát bởi vào mùa hè Mặt trời lặn muộn hơn.
Sau thời điểm cận nhật vào ngày 21-4, sao chổi Quỷ sẽ tiếp tục tiến về Trái đất. Thời điểm sao gần Trái đất nhất là vào ngày 2-6.
Sao chổi Quỷ được nhà thiên văn người Pháp Jean-Louis Pons ghi nhận lần đầu vào năm 1812. Đến năm 1883, tức sau 71 năm, nó mới được ghi nhận lần thứ hai, do nhà thiên văn học người Anh William Brooks ghi nhận.
Lần gần nhất con người được ngắm sao chổi này là vào năm 1954.