Cách đây hai năm, Michael, người chơi tiền số, đã liên hệ với nhóm hacker mũ trắng Offspec với yêu cầu gần như bất khả thi: giúp lấy lại ví chứa số Bitcoin tương đương ba triệu USD khi đó. Vấn đề nằm ở mật khẩu ví - cụm từ khóa "hạt giống" dài đến 20 từ và Michael không còn nhớ.
"Nếu thử mọi tổ hợp có thể xảy ra với cụm từ này, sẽ cần 100.000 tỷ lần", Joe Grand, nhà sáng lập Offspec và hiện là một hacker kiêm YouTuber, nói lý do từ chối với CoinTelegraph.
Nhưng một năm sau, Grand và nhóm của ông đã tìm ra cách giải mã. Khi đó, họ nhận thấy RoboForm, trình tạo cụm mật khẩu ví của Michael chứa một lỗ hổng (hiện đã được vá), khiến việc tạo khóa không hề được thực hiện ngẫu nhiên mà lại theo một quy luật nhất định.
Sau khi đảo ngược quá trình thiết kế thuật toán và chạy mô phỏng về các khóa tiềm ẩn trong khoảng thời gian bảy tuần, tức tương đương hàng triệu dự đoán, nhóm đã tìm ra khóa ví Bitcoin cho Michael trong sự phấn khích của người này.
"Tất nhiên, không phải vụ nào cũng có kết thúc có hậu như thế", Grand nói.
Một số ví dù mất nhiều tháng mới tìm được cụm mật khẩu nhưng hóa ra trống rỗng, bên trong không có gì. Lúc này, công sức của nhóm "đổ sông đổ biển".
"Đây không phải là công việc dành cho người yếu đuối, nhưng cũng không phải cách để kiếm nhiều tiền", theo Grand.
Theo khảo sát của Cryptovantage, gần 40% trong số 1.000 người Mỹ từng sở hữu tiền số cho biết đã quên mật khẩu ví, giá trị trung bình mỗi ví 2.134 USD và khó có thể tự lấy lại. Còn theo Chainalysis, 20% trong số 18,5 triệu Bitcoin lưu hành trên thị trường đã bị mất hoặc mắc kẹt trong các ví bị khóa, khiến việc tìm lại khóa ví được nhiều người chú ý.
Chris và Charles Brooks, hai cha con sống tại New Hampshire cũng thành lập công ty Crypto Asset Recovery từ cuối 2020, chuyên tìm các ví tiền số. Cả hai cho biết đã giúp khách hàng lấy lại tổng số Bitcoin trị giá 6 triệu USD.
"Chúng tôi không phải là tỷ phú hay triệu phú như những đồng nghiệp, nhưng vẫn có thể kiếm tiền trong môi trường đầy thú vị này", Chris Brooks cho biết.
Joe Grand và cha con nhà Brooks nhận được hàng chục email nhờ giúp đỡ mỗi ngày. Tuy nhiên, họ cũng phải đấu tranh với những kẻ mạo danh, sử dụng cuộc gọi âm thanh deepfake để lừa tiền người khác. Bản thân ông cũng từng nhận được cuộc gọi giả giọng chính mình.
Theo báo cáo từ Trung tâm Tội phạm Internet của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), tổn thất do gian lận tiền điện tử ở Mỹ là 3,9 tỷ USD năm 2023, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. FBI cũng bị mạo danh. Tháng 8 năm ngoái, họ cảnh báo cho người dùng sau khi một số hình ảnh lan truyền trên Internet rằng FBI có thể thu hồi được số tiền bị mất trong các vụ lừa đảo đầu tư tiền điện tử. Thông thường, với trò lừa này, kẻ gian yêu cầu nạn nhân thanh toán trước một khoản phí rồi biến mất, hoặc dùng chiêu trò để lấy càng nhiều tiền càng tốt.
Một trường hợp khác mà những người chuyên lấy lại cụm mật khẩu ví gặp phải là từ những người không sở hữu ví và họ đều phải từ chối. Ví dụ, nhà Brooks cho biết từng nhận được đề nghị của một phụ nữ sắp ly hôn, "nhờ" truy cập ví Bitcoin của chồng. Hay thậm chí có người gửi ví chứa một triệu Bitcoin, nói mình là "cha đẻ Bitcoin" Satoshi Nakamoto và nhờ mở khóa.
Sau khi mở khóa thành công, những người bẻ khóa sẽ nhận được một khoản thù lao tương đương vài phần trăm giá trị ví. Trong một số trường hợp, nhóm sẽ lấy một khoản tượng trưng nếu số tiền không quá lớn hoặc khoản tiền đó quan trọng.
"Tôi thậm chí còn không nghĩ đến thù lao khi bắt đầu, hoặc khi thực sự thấy ánh mắt mọi người sáng lên nếu bẻ khóa thành công. Đó là những khoảnh khắc khá đặc biệt và khó có thể diễn tả được", Grand cho hay.