Bộ Xây dựng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam rà soát hồ sơ đề xuất quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh, lưu ý cập nhật, làm rõ các yếu tố mới như hình thành Cảng hàng không quốc tế Gia Bình, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030, sắp xếp tổ chức bộ máy, địa giới hành chính các địa phương…
Cục Đường sắt cần tích hợp tuyến đường sắt vào điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt 1, quy hoạch tuyến, ga đường sắt để nghiên cứu trong tổng thể mạng quy hoạch đường sắt làm cơ sở đánh giá lựa chọn phương án quy hoạch.
Trong đó, cần xem xét đến việc kết nối mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, giao thông khác; các khu đô thị, di tích văn hóa, du lịch… dọc tuyến để bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.

Đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh dự kiến vận tốc 250 km/giờ trở lên
ẢNH MINH HỌA
Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã nhận được phương án tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh của Tập đoàn Vingroup, trong đó đề xuất cấp có thẩm quyền thông qua nội dung quy hoạch tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và bổ sung tuyến đường sắt này vào điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh được đề xuất là đường sắt tốc độ cao thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia; có tốc độ thiết kế 250 km/giờ trở lên, khai thác riêng tàu khách; khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa.
Tuyến có điểm đầu tại Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia (Cổ Loa), TP.Hà Nội; điểm cuối tại Khu công viên rừng, phường Đại Yên, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (đối diện khu đô thị Vinhomes Hạ Long Xanh) với tổng chiều dài tuyến khoảng 120,9 km.
Về hướng tuyến, Vingroup đề xuất, từ điểm đầu tại ga Cổ Loa, TP.Hà Nội, tuyến đi theo đường nối tới sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) qua Hải Dương tới Yên Tử (Quảng Ninh). Điểm cuối là Khu công viên rừng (Hạ Long, Quảng Ninh).
Trên địa bàn TP. Hà Nội, Vingroup đề xuất 2 phương án tuyến: phương án 1 tuyến đi dọc theo đường nối cầu Tứ Liên và đường nối sân bay Gia Bình.
Phương án 2, tuyến đi dọc theo đường nối cầu Tứ Liên rồi rẽ phải đi theo tuyến đường sắt hiện hữu, qua ga Yên Viên, theo hành lang tuyến đường sắt đô thị số 9, vượt qua sông Đuống và đi theo đường nối sân bay Gia Bình.
Dự kiến, tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh có 4 ga gồm Cổ Loa, Gia Bình, Yên Tử và Hạ Long. Với phương án đi qua Yên Viên thì có thêm ga Yên Viên. Nhu cầu vốn đầu tư khoảng 5,4 tỉ USD; thời gian thực hiện là trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2030.
Hồi tháng 4, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, đánh giá đề xuất của Tập đoàn Vingroup về đầu tư tuyến đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh và khả năng kết hợp đầu tư với tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân để tận dụng tối đa công trình, hạng mục công trình đã đầu tư.
Bộ yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt nghiên cứu, đánh giá bổ sung kịch bản đầu tư với các dải tốc độ 160 km/giờ và 300 km/giờ để đề xuất lựa chọn kịch bản đầu tư hiệu quả; đồng thời đề xuất phương thức đầu tư và các giải pháp về cơ chế, chính sách kèm theo (nếu có).