TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, mới tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân đã có vợ nhưng gặp vấn đề ở “cậu nhỏ”. Người đàn ông này dù rất ham muốn, nhưng anh không dám làm “chuyện ấy” với vợ.
(Ảnh minh họa).
Trước khi kết hôn, bệnh nhân đã bị đi tiểu nhiều lần/ngày, trung bình 12-15 phút đi tiểu 1 lần và thường xuyên đau, buốt, khó chịu.
Tại bệnh viện, qua thăm khám bác sĩ Liên chẩn đoán bệnh nhân bị viêm-hẹp niệu quản (hẹp niệu đạo trước, ở miệng sáo) và điều trị.
Đối với những trường hợp này, bác sĩ Liên khuyến cáo, sau khi rút xông tiểu sẽ vẫn điều trị bằng thuốc, đồng thời phải tập nhịn tiểu để bàng quang giãn ra và vệ sinh bao quy đầu. Khi quan hệ tình dục thì nên dùng bao cao su.
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, hẹp niệu đạo là sự giảm khẩu kính của 1 đoạn hay toàn bộ niệu đạo, thường do tổ chức xơ hóa ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu đi từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Bệnh thường gặp sau chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn. Hẹp niệu đạo ở nam giới thường gặp hơn ở nữ giới.
Có nhiều nguyên nhân gây hẹp niệu đạo như:
- Di chứng của chấn thương, đứt niệu đạo do tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.
- Di chứng viêm nhiễm niệu đạo: Lao, lậu, HPV… Theo nghiên cứu, viêm niệu đạo thường do lậu cầu khuẩn. Viêm nhiễm từ niêm mạc niệu đạo các ổ tuyến Littre lan ra từ nang Morgagni gây xơ sẹo chit hẹp niệu đạo nhiều chỗ: niệu đạo trước, niệu đạo màng.
Hẹp niệu đạo do lao từ những tổn thương từ thận, bàng quang lan tới tiền liệt tuyến, niệu đạo hành. Hẹp niệu đạo còn do nhiễm khuẩn bao quy đầu bị chít hẹp và thường lây qua giao hợp. Hẹp niệu đạo do viêm nhiễm chủ yếu từ ngược chiều, nguyên nhân từ ngoài vào.
- Tai biến của điều trị: Đặt sonde niệu đạo, mổ nội soi u phì đại tuyến tiền liệt, mổ lấy sỏi niệu đạo, sau cắt bao quy đầu…
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh
Dấu hiệu nhận biết bệnh này là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được đặt một ống thông trên xương mu để đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.
Với mức độ và bệnh nhân cụ thể các bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Thông thường, ban đầu bác sĩ sẽ điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu, sau đó mới tiến hành loại bỏ đoạn xơ hẹp niệu đạo để phục hồi lưu thông, loại bỏ rối loạn bài xuất nước tiểu.
Trường hợp cấp cứu các bác sĩ sẽ chỉ định nong niệu đạo, đặt sonde niệu đạo, mở thông bàng quang hoặc cắt trong niệu đạo bằng dao cắt lạnh hoặc bằng laser phẫu thuật tạo hình cắt nối dùng vạt da hoặc mảnh ghép.
Khi có những biểu hiện bất thường như: Cảm giác khó tiểu - bí tiểu, ứ nước, viêm bàng quang… nam giới nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa nam học để được các bác sĩ khám và tư vấn cụ thể.