P/E là chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phiếu. Chỉ số này thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Thông thường, một cổ phiếu có P/E thấp được xem là rẻ và hấp dẫn.
Từ đầu tháng 4 đến nay, P/E thị trường đã giảm từ 14,1 xuống 10,9 theo đà lao dốc 23% của chỉ số đại diện cho sàn chứng khoán TP HCM.
Theo ông Petri Deryng, nhà sáng lập PYN Fund Management Ltd, hai chỉ số này biến động mạnh trong vòng một tháng rưỡi là điều bất ngờ vì trước khi đợt bán tháo xảy ra đã có nhiều tin tức tốt về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Ông Petri Deryng cho rằng đợt giảm này khiến định giá thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên không hợp lý khi P/E dự phóng là 10,9 dù tăng trưởng lợi nhuận quý đầu năm lên đến 31% và kịch bản thận trọng cho cả năm là 19-29%. P/E dự phóng là chỉ số tương quan giữa giá hiện tại với thu nhập ước tính trong 12 tháng tiếp theo. Trong khi đó, P/E bình quân 5 năm qua ở mức 16,5 và trong những giai đoạn lợi nhuận tăng trưởng mạnh thì có thời điểm lên đến 20.
"Không thể bỏ qua diễn biến chứng khoán toàn cầu khi xem xét thời điểm xuất hiện chu kỳ tăng giá của chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, với mức định giá này, có thể nói Việt Nam có nền kinh tế ổn định và cổ phiếu cực rẻ", ông Petri Deryng viết trong báo cáo công bố ngày 19/5.
Nhà sáng lập PYN Fund Management nhận định chứng khoán Việt Nam bị tác động bởi chiến sự Nga – Ukraine và diễn biến xấu trên sàn Nasdaq, nhưng đây không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường "sụp đổ".
Ông cho rằng tác nhân chính là thông tin lãnh đạo nhiều công ty niêm yết và công ty chứng khoán bị bắt với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng khiến áp lực bán khởi phát từ các cổ phiếu vốn hoá nhỏ đã nhanh chóng lan sang các mã vốn hoá lớn.
"Danh mục của nhà đầu tư trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề", ông Petri Deryng nhận định, đồng thời cho biết danh mục đầu tư của quỹ PYN Elite Fund cũng bị tác động tiêu cực dù ba tháng đầu năm tương đối khả quan. Tháng trước, quỹ này ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 10,21%, cao hơn mức giảm của VN-Index, đánh dấu tháng có hiệu suất kém nhất từ khi dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam vào đầu năm 2020.